Lực lượng chức năng kiểm tra người, phương tiện tại chốt nút ra của cao tốc Nội Bài- Lào Cai (Ảnh:baotintuc) |
Lào Cai yêu cầu những người từ Hà Nội đến địa bàn phải cách ly từ 3/4
Tại Lào Cai, từ ngày 3/4, tỉnh yêu cầu tất cả những người từ Hà Nội đến địa bàn phải cách ly 14 ngày. Theo đó, tất cả người và phương tiện từ Hà Nội vào tỉnh Lào Cai phải được kiểm tra, khai báo y tế và lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày tính đến thời điểm kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh (thời gian thực hiện đến hết ngày 15-4).
Trường hợp người đi từ Hà Nội vào tỉnh mà có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai thì phải xác minh, nếu người có triệu chứng lâm sàng thì áp dụng biện pháp cách ly y tế tại tại cơ sở y tế, còn lại áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà 14 ngày dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.
Đối với người không có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai, lực lượng trực tại các chốt giải thích, tư vấn, tuyên truyền để họ quay trở về nơi xuất phát. Trường hợp có lý do chính đáng thì sẽ cho vào tỉnh và phải cách ly 14 ngày theo quy định.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chỉ đạo các chốt kiểm soát lập danh sách những trường hợp từ Hà Nội về Lào Cai, kịp thời chuyển cho địa phương nơi cư trú của những trường hợp từ Hà Nội về để thực hiện việc cách ly tại nhà.
Đà Nẵng yêu cầu cách ly thu phí với người đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
Từ 5/4, Đà Nẵng cách ly y tế tập trung có thu phí đối với người đi từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến địa phương đủ 14 ngày.
Việc cách ly này áp dụng cả với người dân Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập tại 2 địa phương trên khi quay về thành phố.
Thành phố thu phí ăn, sinh hoạt hằng ngày. Mức thu bằng với mức Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đang áp dụng cho công dân nhập cảnh từ nước ngoài cách ly y tế tập trung.
Sơn La: Cách ly tập trung người đến từ các địa phương có dịch
Từ 0h ngày 6/4, Sơn La thực hiện cách ly tập trung các công dân không có hộ khẩu thường trú, tạm trú đi từ các địa phương có dịch đến địa bàn tỉnh.
Theo đó, người không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại tỉnh Sơn La phải cách ly y tế tập trung tại các cơ sở ở các huyện, thành phố Sơn La, Trung đoàn 754 trong vòng 14 ngày.
Người có hộ khẩu thường trú tại Sơn La thì cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, cư trú, tạm trú 14 ngày.
Không áp dụng các biện pháp cách ly đối với các trường hợp đã hoàn thành cách ly y tế tại địa phương khác (có giấy xác nhận).
Những trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn... phải khai báo y tế bắt buộc, lịch trình di chuyển với cơ quan y tế và chính quyền địa phương, tự theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đối với các trường hợp đi công tác có văn bản đồng ý của người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải chấp hành khai báo y tế, giám sát y tế của địa phương. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét trường hợp thực sự cần thiết cử đi công tác và phải chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo tỉnh về quyết định của mình…
Các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở Bắc Ninh hoạt động 24/24h (Ảnh: VTC). |
Bắc Ninh cách ly các trường hợp đến và đi qua từ các địa phương có dịch từ 7/4
Từ 7/4, Bắc Ninh bắt đầu áp dụng biện pháp cách ly tại nhà, nơi cư trú hoặc tại cơ sở tập trung đối với các trường hợp đến từ hoặc đi qua các địa phương có dịch về tỉnh này.
Theo đó, người đang cư trú trên địa bàn (có hộ khẩu) thì cách ly tại nhà; trường hợp không cư trú ở Bắc Ninh sẽ phải cách ly tập trung và trả phí. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa nêu rõ mức thu phí cách ly.
Các trường hợp không bị cách ly nhưng phải khai báo lịch trình, gồm: Người đã hoàn thành cách ly y tế; người đến Bắc Ninh thực hiện công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; xe đưa đón công nhân, chuyên gia, chở nguyên vật liệu sản xuất...
Việc xác định những người đến hoặc đi qua tỉnh, thành có dịch dựa theo thông báo của Bộ Y tế. Từ 5/4, Bắc Ninh lập 6 chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ đường bộ ra vào địa bàn.
Cách ly người đến tỉnh Bình Định từ 0 giờ ngày 8/4
Theo Sở Y tế Bình Định, đến thời điểm này, tỉnh này chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống dịch bệnh, từ 0h ngày 8/4, tỉnh Bình Định sẽ tiến hành cách ly toàn bộ những người đến từ vùng có dịch, người cách ly phải tự chi trả chi phí.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tất cả người Việt Nam và người nước ngoài đến Bình Định bằng đường sắt, đường bộ, đường biển để thực hiện triệt để các biện pháp cách ly theo quy định, kể từ 0h ngày 8/4. Trước thời gian này, vẫn thực hiện biện pháp cách ly tại nhà.
Đối với người xuống ga Diêu Trì, nếu là người từ địa phương khác đến Bình Định mà không có lý do chính đáng thì cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh hoặc đưa vào khách sạn được tỉnh trưng dụng nếu khách có yêu cầu và phải tự trả chi phí ăn ở, sinh hoạt. Người nước ngoài được bố trí tại khu cách ly riêng.
Với người Bình Định hoặc người có thân nhân và gia đình tại Bình Định từ các địa phương khác về, Sở Y tế bố trí, liên lạc và thông báo thời gian, địa điểm, số lượng, danh sách người về cho các địa phương tiếp nhận, tổ chức cách ly tại nhà.
Từ 9/4, Bắc Giang bắt đầu cách ly người đến từ vùng dịch
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Giang yêu cầu, từ ngày 9/4, tất cả công dân Bắc Giang nếu không vì lý do công việc không được di chuyển đến các tỉnh, thành phố có dịch (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác có ca mắc COVID-19).
Trường hợp đặc biệt buộc phải đi đến các địa phương trên phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thành phố. Khi về phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Sau đó tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày.
Đối với những người từ các tỉnh, thành phố có dịch về Bắc Giang cư trú, tạm trú thực hiện như sau: Những người có hộ khẩu thường trú ở Bắc Giang, áp dụng cách ly tại nhà 28 ngày. Những người không có hộ khẩu thường trú ở Bắc Giang áp dụng cách ly tập trung 14 ngày.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu, những người từ TP Hà Nội đến công tác tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh phải thực hiện khai báo y tế, lịch sử di chuyển 14 ngày trước khi về Bắc Giang với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Nếu kết quả âm tính với virus, những người này sẽ được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy xác nhận cho phép di chuyển từ nơi tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại (chỉ được di chuyển ở 2 địa điểm đó).
Sau đó, từ 7 đến 10 ngày tiếp theo, các cá nhân này phải xét nghiệm COVID-19 lần 2 (kinh phí xét nghiệm do cá nhân hoặc doanh nghiệp tự chi trả).
Xe ngoại tỉnh nhưng chở hàng không cấp thiết phải quay đầu tại chốt kiểm soát xe và phương tiện tại phường Đại Yên, TP.Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: Nguyễn Hùng). |
Quảng Ninh không cho xe vào tỉnh nếu không có lý do chính đáng
Theo ghi nhận, người dân, du khách vào Quảng Ninh, các xe cá nhân được yêu cầu quay đầu khi không nêu được lý do chính đáng. Những người được giải quyết đi vào Quảng Ninh phải khai báo y tế và được cấp giấy kiểm soát trong ngày. Khi xuất trình giấy này thì không phải khai báo, kiểm tra lại tại chốt kiểm soát khác.
Các xe trong diện ưu tiên như xe cứu thương, xe thực thi công vụ, xe tải chở hàng... được vào thành phố sau khi kiểm tra y tế và số người tối đa trên xe.
Trước đó, Quảng Ninh ra Điện khẩn từ 00h ngày 1/4 đến hết ngày 15/4, dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra/vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trừ các trường hợp đặc biệt) gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
TP Hồ Chí Minh: Lập 62 chốt tại cửa ngõ, chưa yêu cầu cách ly tập trung người ngoại tỉnh
UBND TP Hồ Chí Minh lập 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP.
UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát đường mòn, lối mở, bến thủy nội địa tiếp giáp với các tỉnh.
Các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 sẽ hoạt động 24/24 giờ kể từ ngày 3/4 đến hết 15/4, hoặc khi có yêu cầu mới về việc kiểm soát dịch theo quy định. Lực lượng tham gia kiểm tra, kiểm soát tại mỗi chốt gồm các lực lượng thuộc Công an, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh, thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, Ban quản lý An toàn thực phẩm.
Tổ công tác túc trực tại chốt kiểm soát dịch đầu cầu Chương Dương, Hà Nội (Ảnh: Tiến Huy). |
Hà Nội cũng lập 30 chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ Thủ đô
Theo đó, Công an Hà Nội phối hợp thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố, y tế triển khai lực lượng tại 30 điểm chốt đường bộ cửa ngõ ra vào thủ đô và các tuyến đường sắt... để tuần tra, kiểm soát việc thực hiện cách ly toàn xã hội. Theo đó, lực lượng chức năng tiến hành đo thân nhiệt, nếu thấy có các biểu hiện nghi ngờ, lực lượng chức năng sẽ dừng phương tiện, kiểm tra y tế và xử lý các lỗi vi phạm khác. Nếu phát hiện ca nghi ngờ, lực lượng chức năng sẽ đưa đi cách ly bắt buộc.
Sáng 9/4, Bộ Y tế thông báo không ghi nhận ca COVID-19 mới. Như vậy trong 24 giờ qua, Việt Nam không có ca bệnh mới. Đây cũng là lần đầu tiên trong 1 tháng qua nước ta không ghi nhận ca COVID-19 mới trong vòng 24 giờ. Tính đến 6 giờ sáng 9/4, số ca nhiễm COVID-19 là 251 trường hợp. Trong số này, 156 là người từ nước ngoài (chiếm 62,6%), 95 người là do lây nhiễm thứ phát. Đến nay 126 ca đã được công bố khỏi bệnh và ra viện (chiếm 50%). |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.