Những điểm sáng giao thông vận tải sau 45 năm thống nhất đất nước

Tác giả: Hoàng Hải

saosaosaosaosao
Bạn đọc 30/04/2020 06:29

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến thắng ngày 30/4/1975 có đóng góp không nhỏ của ngành GTVT. Đồng thời với sứ mệnh "đi trước mở đường" ngành GTVT sau ngày thống nhất đất nước vẫn thể hiện được vai trò quan trọng vừa là đối tượng, vừa là động lực phát triển của đất nước.

 

Cầu_Mỹ_Thuận (1)

Cầu Mỹ Thuận- công trình quy mô và hiện đại trên tuyến trục dọc "xương sống" của đất nước

Tiếp tục Sứ mệnh “đi trước mở đường” sau ngày thông nhất đất nước

Sự tàn phá của chiến tranh trong một giai đoạn dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả nước. Năm 1975, miền Bắc không còn một tuyến đường bộ nào đạt cấp kỹ thuật đồng bộ; phương tiện vận tải đều thiếu thốn và lạc hậu. Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ 4 của Đảng (tháng 12/1976) đã đề ra yêu cầu phải “tích cực mở mang GTVT và thông tin liên lạc vì thực tế không cân đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và không cân đối giữa các bộ phận trong nội bộ ngành...”. Thực hiện chủ trương đó, ngành GTVT đã chấn chỉnh và tổ chức lại bộ máy hoạt động và hình thành một bộ máy mới với các chức năng đầy đủ hơn, đáp ứng thực tế. 

Trong giai đoạn này, cả nước đã xây dựng mới hơn 02 vạn mét cầu, 520 cống, đặt mới 660km đường ray và 1.686km dây thông tin, đặc biệt là hệ thống vận tải quốc doanh đã có bước phát triển mạnh với đội ngũ kỹ sư chế tạo, sửa chữa và lái xe được đào tạo trong những trường chuyên ngành của Bộ GTVT.

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xác định phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT để GTVT đi trước một bước, tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển với mục tiêu “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng”. Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng khóa VII (1991), khóa VIII (1996) xác định mục tiêu lớn của ngành GTVT là: “Khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống giao thông hiện có; khôi phục, nâng cấp và mở rộng thêm một số tuyến giao thông trọng yếu, kết hợp giao thông với thủy lợi, tận dụng giao thông đường thủy; mở thêm đường đến các vùng sâu, vùng xa; cải thiện giao thông ở các thành phố lớn; cải tạo, nâng cấp một số cảng sông, cảng biển, sân bay; xây dựng dần cảng biển nước sâu”.

Đổi mới tiến tới hoàn thiện hạ tầng gtvt

Với tầm quan trọng của GTVT đối với phát triển đất nước, đến Đại hội IX (2001) một lần khẳng định: “Kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và có bước đi trước. Hệ thống giao thông bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt quanh năm và hiện đại hóa một bước”. Chỉ trong 10 năm đầu quá trình đổi mới, ngành Đường bộ đã hoàn thành một số tuyến đường, cây cầu có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội như: các cầu Bến Thủy, Tân Đệ, Yên Bái, Đò Quan, Việt Trì, Tràng Tiền, Phong Châu...; QL1, QL5, QL80, QL24… Nhiều đô thị mới cũng đã mọc lên dọc theo các tuyến đường, giao thông miền núi, giao thông nông thôn trong giai đoạn này cũng bắt đầu khởi sắc. 

Để bắt kịp công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, giai đoạn 1996 - 2005, ngành GTVT đã tiến hành cải tạo, nâng cấp và làm mới hơn 16.000km đường bộ, 1.400km đường sắt, hơn 130.000m dài cầu đường bộ, 11.000m dài cầu đường sắt; nâng cấp và xây dựng mới 5.400m dài bến cảng; nạo vét 4,8 triệu m3 luồng lạch. Ngành GTVT cơ bản hoàn thành việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc “xương sống” của đất nước là QL1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, trong đó nổi lên hai công trình quy mô và hiện đại là hầm đường bộ đèo Hải Vân và cầu Mỹ Thuận. Cùng với trục dọc này, một trục dọc thứ hai cũng đã hình thành đó là đường Hồ Chí Minh đã hoàn tất giai đoạn 1 (đoạn từ Hòa Lạc đến Ngọc Hồi). Đường Hồ Chí Minh sẽ nối kết hơn 100 tuyến đường ngang, trong đó có các trục hành lang Đông - Tây, nối liền với QL1A phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc bờ biển miền Trung, hệ thống các sân bay trên cao nguyên..., từ đó hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng.

Ngoài hai trục dọc trên, ngành GTVT đã hoàn thành các tuyến quốc lộ chính yếu nối đến các cảng biển và cửa khẩu quốc tế như: QL5, QL18, QL10, QL22, QL51, QL14B..., đồng thời nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm và vành đai phía Bắc, phía Nam, các tuyến quốc lộ ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. 

Về hàng không, tất cả các cảng hàng không trên khắp cả nước đều được nâng cấp một bước, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng máy bay đang ngày càng gia tăng. Nhiều công trình quan trọng đi vào khai thác như: Nhà ga T1 và đường cất hạ, cánh 1B Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; đường cất, hạ cánh 25L tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhà ga, sân đỗ, đường cất, hạ cánh sân bay Vinh; nhà ga sân bay Phú Quốc; nhà ga hành khách Cảng Hàng không Phù Cát (Bình Định); hoàn thành nâng cấp Cảng Hàng không Vinh... 

Đối với lĩnh vực hàng hải, trong giai đoạn này đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia chủ yếu như: Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ và hoàn thành nâng cấp một số cảng địa phương cần thiết, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua. Đối với đường sắt, ngành GTVT đã từng bước nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu; các cầu và ga trên đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp. Về đường sông đã hoàn thành nâng cấp 02 tuyến đường thủy phía Nam (TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh - Kiên Lương)...

Tiến lên hiện đại hóa

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngành GTVT đã tập trung huy động tối đa các nguồn đầu tư, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, từ đó hình thành những công trình trọng điểm, tiêu biểu như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, Dự án án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Túy Loan, Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu... 

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong thời gian qua là ngành GTVT đã dồn lực để khởi công một số đoạn đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam (Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn); đã trình Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh 02 dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; công tác giải phóng mặt bằng và thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán nhằm chuẩn bị cho công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo hình thức PPP đang được triển khai khẩn trương và quyết liệt... 

Từ điểm xuất phát rất thấp, trình độ khoa học - công nghệ của ngành GTVT đã phát triển nhanh chóng trên cơ sở tiếp thu và làm chủ nhiều công nghệ mới, hiện đại. Những thiết bị, quy trình này đã được áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực của Ngành, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng hải, hàng không. Đây là những vốn quý, nền tảng quan trọng để ngành GTVT có thể tiến nhanh, tiếp cận và theo kịp sự phát triển của GTVT thế giới

Ý kiến của bạn

Bình luận