Trong buổi họp báo công bố phương án tuyển sinh theo nhóm trường (gọi tắt là GX) ngày 7/4 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện các trường có một số lưu ý cho các thí sinh.
10 thành viên nhóm GX đến thời điểm họp báo bao gồm:
1. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân
3. Trường Đại học Xây dựng
4. Trường Đại học Ngoại thương
5. Trường Đại học Thủy lợi
6. Trường Đại học Giao thông vận tải
7. Trưởng Đại học Mỏ-Địa chất
8. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
9. Học viện Ngân hàng
10. Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải
Họp báo về tuyển sinh theo nhóm ngày 7/4 (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo PGS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Khi tham gia tuyển sinh theo nhóm, thí sinh cần lưu ý một số nội dung sau:
Thí sinh được thêm một phương thức nộp hồ sơ, ngoài 2 cách theo quy định của quy chế (đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu ĐKXT đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 qua đường bưu điện). Phương thức đó là nộp trực tiếp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.
Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong phiếu Đăng ký xét tuyển (mẫu được thiết kế cho nhóm GX).
Cụ thể, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT. Mỗi nguyện vọng đăng ký sẽ bao gồm các thông tin sau:
Thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 nguyện vọng trong đợt 1 và 6 nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm.
Ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 nguyện vọng hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 nguyện vọng vào 1 trường và 2 nguyện vọng còn lại đăng ký vào 2 trường.
Đặc biệt, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm (ví dụ đợt 1 thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 2, 3 hoặc 4 trường khác nhau trong nhóm nhưng mỗi trường không quá 2 nguyện vọng). Thí sinh cũng có thể ĐKXT vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX.
Tuy nhiên, nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào trường ngoài nhóm.
Mẫu phiếu thí sinh có thể tải từ website các trường trong nhóm. Thí sinh lưu ý không lấy mẫu đăng ký xét tuyển khác để đăng ký vào các trường trong nhóm.
Ông Điền cho biết thêm, thí sinh đã trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Nếu thí sinh vì lý do nào đó muốn vào học nguyện vọng xếp dưới sẽ phải chờ tới khi nhóm kết thúc đợt tuyển sinh, nếu còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung sẽ đăng ký lại.
Thí sinh không nên gian dối
Trước lo ngại rằng một thí sinh có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định:
Khi có tuyển sinh theo nhóm trường, phần mềm của Bộ phải điều chỉnh theo. Việc kiểm soát thí sinh nộp quá quy định là làm được bằng giải pháp công nghệ thông tin.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT (Ảnh: Thùy Linh) |
Vì vậy, thí sinh bằng nhiều con đường như đăng ký trực tiếp, qua bưu điện, đăng ký online có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định, nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống được nếu quá so với quy định.
“Khi đưa ra chính sách Bộ phải tính phần kỹ thuật có làm được không. Khi thành lập nhóm tuyển sinh, phần mềm của Bộ điều chỉnh được, và có khống chế được.
Bởi khi thí sinh đăng ký vượt quá số nguyện vọng cho phép thì hệ thống sẽ lựa chọn 2 nguyện vọng bất kỳ cho nên thí sinh gian dối thì sẽ mất đi cơ hội học ngành yêu thích”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Sau ngày 22/4 – kết thúc thời hạn các trường đăng ký tham gia - nhóm GX sẽ thành lập Ban chỉ dạo tuyển sinh nhóm trường để chỉ đạo thực hiện các khâu kỹ thuật của công tác xét tuyển.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.