Những điều cơ bản ngư dân cần biết trong mùa mưa bão

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 04/10/2018 06:15

Trong mùa mưa bão, các vùng ven biển của nước ta thường xuyên phải hứng chịu những nguy cơ về cơn bão, lốc tố, triều cường, lụt úng...

 

tim kiem cuu nan
 

Trong mùa mưa bão, các vùng ven biển của nước ta thường xuyên phải hứng chịu những nguy cơ về cơn bão, lốc tố, triều cường, lụt úng... Vì vậy, việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thảm họa cần đặc biệt chú ý đến đối tượng ngư dân làm nghề trên biển. Những điều cơ bản mà các địa phương cần trang bị, hướng dẫn cho các ngư dân là vấn đề cần thiết để chủ động giảm nhẹ hậu quả xảy ra.

Thứ nhất, cần huấn luyện cho ngư dân hiểu biết về bão tố, dông lốc  trên biển, sự hình thành các áp thấp nhiệt đới, bão, các lực tác hại của nó, các kinh nghiệm phát hiện về khí tượng thủy văn, các biểu hiện thiên tai trên biển; các quy chế bảo đảm an toàn khi ra khơi như phao cứu sinh, phương tiện truyền tin, nhận tin, túi thuốc cấp cứu, nước ngọt, thức ăn dự trữ... Ngoài ra, ngư dân còn phải được tập huấn cách tự cứu, sơ cứu gồm cứu đắm, cứu đuối, cứu thương... Một điều cần thiết là ngư dân nên đeo vòng có ghi họ tên, nơi trú quán ở cổ tay khi bị gặp nạn và từng người phải có phao cứu sinh khi ra khơi.

Chủ tàu cá, thuyền trưởng và các thuyền viên cần chấp hành tốt các quy định pháp luật: Mua bảo hiểm cho người và phương tiện; tàu cá cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá như: Phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, chống va đập, chống chìm... theo tiêu chuẩn; có đài thu nghe thông tin báo bão, phao, xuồng cứu nạn, tủ thuốc cứu thương, dự trữ lương thực khô, nước ngọt sạch đựng trong các can nhựa, túi ny lông...Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển. Thuyền trưởng, thuyền viên đi trên tàu phải có đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, đảm bảo phương tiện luôn ở trạng thái an toàn.

Thứ hai, các tàu thuyền đánh bắt cá lâu ngày ở các vùng biển xa bờ cần nắm được địa lý vùng ngư trường, biết được trước các đảo gần để đến trú ẩn khi thời tiết xấu xảy ra, biết được mạng lưới thông tin báo bão tại ngư trường, có đăng ký đăng kiểm; có liên hệ thường xuyên, định kỳ với các cơ sở có trách nhiệm phòng chống bão khu vực.

Thứ ba, thực hiện bảo hiểm tính mạng tài sản, xây dựng quỹ nhân đạo nghề cá.

Thứ tư, hiện nay đã có những bộ quần áo đi biển để dùng trong các trường hợp bị nạn. Loại áo quần này lúc khô thì như bình thường, khi ngấm nước thì nở phồng thành phao cứu hộ. Quần áo có màu da cam để xua cá mập vì loại cá này khi thấy màu da cam thì lảng tránh và màu da cam dễ được các phương tiện cứu hộ như máy bay, tàu biển phát hiện ra khi nạn nhân lênh đênh trên biển. Tuy nhiên, các loại áo quần này thường khá đắt tiền nên ngư dân khó có khả năng mua để trang bị được.

Hàng năm khi đến mùa mưa bão, các ngư dân đánh bắt cá trên biển cần biết những nguyên tắc cơ bản ở trên để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.

Để chủ trương “vươn khơi bám biển làm giàu, góp phần đảm bảo chủ quyền biển đảo quê hương” ngày càng được phát huy, việc bảo toàn về người và phương tiện sản xuất của ngư dân phải được Nhà nước và các cơ quan, bộ, ngành chú trọng và quan tâm hơn

Ý kiến của bạn

Bình luận