Tên lửa đạn đạo Topol của Nga. Ảnh: Sputnik |
Sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, người dân Mỹ có thể hy vọng chính quyền mới sẽ tập trung phát triển kho vũ khí hạt nhân, vốn đã trở nên lạc hậu dưới thời Tổng thống Barack Obama, trong bối cảnh các đối thủ của Washington dành cả thập niên qua để mở rộng năng lực răn đe hạt nhân của mình, theo War on the rocks.
Cả Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang nỗ lực tiến về phía trước bởi các quốc gia này nhận thấy rằng những tiến bộ về năng lực hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe hay đánh bại Mỹ và thúc đẩy các lợi ích tại khu vực.
Nga
Nga hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn và đa dạng nhất trong số các quốc gia hạt nhân. Ngoài bộ ba răn đe chiến lược gồm oanh tạc cơ tầm xa trang bị tên lửa hành trình, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cùng các tên lửa liên lục địa trong hầm chứa, trên xe di động và đường sắt, Moscow còn sở hữu kho hạt nhân chiến thuật với ít nhất 2.000 loại vũ khí.
Với những động thái nâng cấp gần đây, kho vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga hiện vượt trội hơn so với NATO về cả quy mô và chất lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như muốn tận dụng lợi thế này để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết các hồ sơ quốc tế.
Ngoài các tên lửa đạn đạo như SS-27 Topol-M và SS-29 Yars-M được thiết kế vào những năm 1990 và 2000, Nga đang sở hữu vũ khí uy lực nhất là tên lửa Sarmat RS-28, có thể chứa 15 đầu đạn nhiệt hạch và được trang bị các hệ thống điện tử có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Moscow cũng đang triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới lớp Borei có thể mang 16 tên lửa đạn đạo Bulava SS-NX-30, có sức công phá và độ chính xác rất cao.
Nga cũng đang hiện đại hóa đội oanh tạc cơ tầm xa Tu-95, Tu-160 và phát triển một máy bay ném bom tàng hình mới, được trang bị tên lửa Kh-102 có thể bắn tới Mỹ từ trong không phận Nga.
Trung Quốc
Được cho là sở hữu kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Nga và Mỹ, nhưng năng lực đáp trả hạt nhân của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ nhờ những nỗ lực hiện đại hóa bộ ba răn đe chiến lược gần đây.
Vũ khí chủ lực trong năng lực răn đe của Bắc Kinh là các tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 và DF-31.
DF-5 là phiên bản tên lửa nhiên liệu lỏng được triển khai lần đầu tiên vào giữa những năm 1980, có tầm bắn lên đến 11.000 km với độ chính xác 0,4 km.
Trung Quốc được cho là có khoảng 20 tên lửa DF-5 và 15 tên lửa DF-31 trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Nếu được nạp đủ số lượng đầu đạn, Bắc Kinh có khả năng phóng các vũ khí có sức công phá tương đương 105 megaton sang Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh khả năng răn đe trên biển bằng các tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2, với tầm bắn lên đến 8000 km, trong khi máy bay ném bom chiến lược H-6K của Bắc Kinh cũng được trang bị tên lửa hành trình CJ-10K có tầm bắn lên lến 3.500 km.
Với kho vũ khí đa dạng này, Trung Quốc cũng có thể được xem là đối thủ đáng ngại của Mỹ, một khi xảy ra xung đột.
Triều Tiên
Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từ lâu được phát triển nhằm mang lại cho Bình Nhưỡng khả năng răn đe và ngăn chặn một cuộc tấn công từ Mỹ và Hàn Quốc.
Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng đến năm 2020, Bình Nhưỡng có khả năng sở hữu công nghệ cần thiết để sản xuất được tên lửa liên lục địa đáng tin cậy, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Báo cáo của Lầu Năm Góc đầu năm 2016 cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng một trong những tên lửa mới nhất của Triều Tiên, nếu được hoàn thiện, "sẽ có thể vươn tới phần lớn lục địa Mỹ".
Ngoài ra, tính cách khó dự đoán của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng khiến chương trình hạt nhân của Triều Tiên đặc biệt đáng lo ngại đối với Mỹ và hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.