Những gam màu sáng của Đường thủy nội địa

Tác giả: công thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/01/2017 05:42

Năm 2016 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực giao thông thế mạnh.

 

DSC06463ss_1
ĐTNĐ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển

Sản lượng tăng cao, doanh nghiệp hài lòng

Bức tranh vận tải thủy trong năm 2016 nổi bật với những nỗ lực của toàn Ngành đã thay đổi phương thức tiếp cận, lắng nghe, tăng cường đối thoại, nắm bắt các kiến nghị của doanh nghiệp vận tải thủy nên đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy hoạt động vận tải thủy phát triển.

Nhờ đó, sản lượng hàng hóa vận chuyển năm 2016 đạt trên 200 triệu tấn (tăng 6,6%), luân chuyển đạt 41.18 tỷ tấn.km (tăng 6,7%), vận chuyển hành khách đạt trên 160 triệu lượt hành khách (tăng 5,7%), luân chuyển đạt 2,66 tỷ HK.km (tăng 5,6%); vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải ven biển đạt 16 triệu tấn hàng hóa (tăng 254%).

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: “Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, Đảng ủy Bộ GTVT cùng sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, lãnh đạo Cục và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cháy bỏng tinh thần đổi mới, cải cách, ngành ĐTNĐ Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016 đề ra”.

Cục ĐTNĐ Việt Nam đã áp dụng và triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ. Minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm phát triển chính là “cuộc cách mạng số hóa ĐTNĐ”. Đến tháng 11/2016, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã trở thành đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 cho toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục (100% đạt mức độ 3), đặc biệt là việc thí điểm đăng ký làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng số lượng người tham gia khai báo qua mạng (tin nhắn) mỗi tháng tăng gần 80 lần (7 tháng đầu năm tiếp nhận bình quân 42 hồ sơ/tháng, 5 tháng tiếp theo tiếp nhận bình quân 3.334 hồ sơ/tháng).

Để việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đi vào cuộc sống, Cục tiếp tục mở rộng các hình thức tiếp nhận thông tin như: Qua điện thoại, tin nhắn, hộp thư… mà gần đây nhất là làm việc với Tổng công ty Bưu chính để triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua bưu điện.

Điểm nhấn lớn nữa trong năm 2016 của ngành ĐTNĐ là kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa được quản lý, khai thác có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi phí của ngân sách nhà nước, đảm bảo khai thác hết năng lực của hệ thống.

Năm 2016, Cục đã triển khai lựa chọn nhà thầu quản lý bảo trì theo hình thức đấu thầu, tiết kiệm 3 - 5% chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của các đoạn Quản lý ĐTNĐ sau khi tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần quản lý bảo trì. Vốn sự nghiệp kinh tế cấp cho quản lý bảo trì tăng 25% so với năm 2015 trong điều kiện ngân sách rất khó khăn.

Đồng thời, Cục đã triển khai thi công dự án đầu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ĐTNĐ theo hình thức đối tác công - tư, chuẩn bị đầu tư dự án tiếp theo, từng bước đa dạng nguồn vốn, hình thức đầu tư đối với kết cấu hạ tầng; hoàn thành và đưa vào sử dụng kết cầu hạ tầng thuộc Dự án WB5, WB6. Kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng bến, thiết bị báo hiệu đã được số hóa, quản lý trên cơ sở dữ liệu trực tuyến theo hướng hiện đại.

Bên cạnh sản lượng tăng, lĩnh vực ĐTNĐ đang có xu hướng phát triển các phương tiện vận tải hàng hóa trọng tải lớn từ vàn nghìn tấn trở lên để chạy sâu trong nội địa và kết nối với tuyến vận tải ven biển đã được mở từ Quang Ninh - Kiên Giang. Phương tiện sông pha biển (tàu SB) có sự gia tăng nhanh chóng, với hơn 600 tàu và gần 1.000 doanh nghiệp tham gia tuyến vận tải ven biển chỉ sau 2 năm đưa vào khai thác (từ năm 2014).

 

Ngày 22.11, Bộ GTVT đưa 100% Dịch vụ công trực tuy

Ngày 22/11/2016, Bộ GTVT đưa 100% Dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực ĐTNĐ vào hoạt động

Phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế

Nhìn nhận những mặt hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy phát triển, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang thừa nhận, vận tải thủy trong thời gian qua có sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng chưa phản ánh đúng lợi thế của loại hình vận tải giá rẻ, vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, an toàn và thân thiện với môi trường.

Vì vậy, thời gian tới Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đưa lĩnh vực giao thông thế mạnh của đất nước phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nó.

Cụ thể, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục triển khai tái cơ cấu vận tải thủy nội địa đến năm 2020 theo đề án đã được phê duyệt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, Cục tiếp tục chú trọng phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, hàng hóa quá cảnh để khai thác hiệu quả tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ đồng bằng sông Cửu Long, tăng hàng hóa trung chuyển tới các cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cái Mép - Thị Vải để đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, phát huy năng lực của khu vực cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép

Ý kiến của bạn

Bình luận