Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk
Được CNBC (Mỹ) ví như "Margaret Thatcher", bà Mai Kiều Liên chính là người đàn bà thép, đã có nhiều công lao trong việc đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Liên cũng từng được Tạp chí Forbes nhiều năm liền xếp trong danh sách Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á từ năm 2012 - 2015.
Khi nhận xét về bà Mai Kiều Liên, cựu Chủ tịch Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga từng nói: "Tôi thích nhất tính cách quyết liệt của bà Mai Kiều Liên. Khi đã suy nghĩ kỹ thì quyết tâm làm tới cùng, vượt qua mọi khó khăn. Đó cũng là những đức tính mà tôi nghĩ, các doanh nhân nên học hỏi".
Điều này hoàn toàn trùng khớp với tính cách, con người của bà Liên. Tính quyết đoán này của Cựu chủ tịch Vinamilk cũng từng được bà chia sẻ với báo giới: "Quan điểm của tôi là không có gì mình không làm được, nên khi gặp khó khăn thì tôi lại càng tìm cách giải quyết cho bằng được".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air
Bà Thảo đồng sáng lập và hiện nắm đa số cổ phần của Sovico, tập đoàn sở hữu ngân hàng công thương HD Bank và hãng hàng không giá rẻ quốc tế Vietjet Air.
Tài sản của bà còn bao gồm một số khách sạn 5 sao và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Bà cũng đang hướng sang lĩnh vực phát triển nhà đất, với dự án khu đô thị Phú Long - Dragon City ở ngoại ô TP.HCM.
Trong danh sách Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh được Forbes công bố đầu tháng 6 vừa qua, bà Thảo được xếp ở vị trí thứ 62. Còn Bloomberg Billionaires gọi bà Thảo là "the first woman self-made billionaire of Vietnam" - Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bởi lẽ, nếu Vietjet tiến hành IPO thì tổng tài sản của bà lên đến hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, bà Thảo lại chia sẻ: "Tôi không bao giờ ngồi và tính toán tài sản của mình. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty, làm sao để tăng lương cho nhân viên, làm thế nào để Vietjet có thể giành được nhiều thị phần hơn và làm sao để chúng tôi có thể trở thành hãng hàng không số 1".
Với "người phụ nữ bé nhỏ" này, bà luôn nuôi ước vọng biến Vietjet Air trở thành một hãng hàng không như "Emirates ở quy mô châu Á".
"Chúng tôi muốn Vietjet thành hãng hàng không quốc tế. Chúng tôi nhìn vào Emirates, họ cũng đi lên từ một đất nước với lượng dân số nhỏ nhưng vẫn trở thành một hãng toàn cầu. Chúng tôi muốn mình là một Emirates ở quy mô châu Á", bà chia sẻ tham vọng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PNJ
Bà Cao Ngọc Dung sinh năm 1957, là cử nhân kinh tế thương nghiệp (ĐH Kinh tế TP HCM). Bà Dung gắn bó với PNJ từ ngày mới ra trường. Đến năm 2004, bà Dung được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PNJ.
Bản thân là một người lãnh đạo nhưng bà luôn nghĩ, để mọi thứ tốt hơn, phải tạo áp lực trong công việc nhưng không bao giờ tạo áp lực tinh thần cho chính bản thân và nhân viên.
"Con người sai lầm là bình thường, chứ nếu sống mà cứ sợ làm sai, sợ ai đó chê cười thì đó chính là áp lực. Bản thân tôi làm lãnh đạo cũng có lúc quyết định sai và xin lỗi nhân viên là chuyện bình thường với tôi. Điều quan trọng là mình phải biết sửa sai để sau đó làm tốt hơn", bà chia sẻ.
Vào tháng 3/2016, bà Cao Ngọc Dung được tạp chí Forbes Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trong 20 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Tạp chí này trong năm 2016 cũng xướng tên bà Dung trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á.
Để có được thành công như ngày hôm nay, bà Dung đã trải qua nhiều thăng trầm và biến cố trong cuộc đời. Sau tất cả, bà đúc kết ra được một chân lý: Bất trắc thì luôn ập đến, nhưng nếu mình biết cách đi xuyên qua nó, biết chấp nhận nó, thì sẽ có thể tìm ra con đường mới.
Hiện tại, bà Dung đang nắm giữ gần 10 triệu cổ phiếu, tương đương 10,14% cổ phần PNJ. Nếu tính theo thị tgias thị trường, số cổ phiếu này có gia trị gần 750 tỷ đồng.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên - TGĐ Công ty XNK Liên Thái Bình Dương
Bà Thủy Tiên là vợ của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP. Là một trong những diễn viên nổi danh Việt Nam thập kỷ 90, bà bất ngờ rời màn ảnh trở thành tiếp viên hàng không. Năm 2007, ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Thủy Tiên kết hôn.
Sau khi lấy ông Jonathan Hạnh Nguyễn, bà Thủy Tiên bỏ nghề tiếp viên hàng không, bước vào nghiệp kinh doanh. Bà chăm chỉ học hỏi và từng bước khẳng định bản thân. Hiện tại, bà điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại, phân phối của nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Bà là người từng được tạp chí Forbes ghi nhận khi bình chọn là một trong những doanh nhân nữ đáng chú ý nhất của thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam.
Danh sách 500 người có ảnh hưởng nhất làng thời trang thế giới năm 2016 do Tạp chí Business of Fashion (BOF) công bố, bà Thủy Tiên cũng được xướng tên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.