Anh Phạm Hữu Thanh 15 năm gắn bó với nghề tài xế taxi không nhớ mình đã trả lại bao nhiêu món đồ có giá trị cho hành khách bỏ quên trên xe. |
Xuất phát từ cuộc sống
Các tài xế vẫn thường hay tếu nhau rằng, nghề tài xế là nghề “làm dâu trăm họ”, bởi vui có buồn có, dị nghị của xã hội cũng có. Mấy ai hiểu được rằng, đằng sau những chiếc vô lăng các bác tài luôn phải đối mặt với những rủi ro và nguy hiểm trên từng cây số. Thế nhưng với họ để thỏa mãn được niềm đam mê công việc họ luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn và luôn có những hành động đầy tính nhân văn trong cuộc sống.
Gắn bó với nghề đã 15, trải qua nhiều biến cố anh Phạm Hữu Thanh tài xế của Công ty Vinasun taxi không nhớ hết được mình đã giúp đỡ biết bao nhiêu người qua đường, trả lại bao nhiêu món đồ có giá trị cho hành khách để quên trên xe.
Số tiền anh Thanh trả lại lớn nhất cho khách là vào năm 2013, “Hôm đó tôi nhận được cuộc gọi đến đón khách từ quận 1 ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đưa khách đến sân bay xong tôi ghé quán ăn sáng thì nhận được điện thoại từ tổng đài công ty báo là hành khách có để quên một chiếc túi xách trên xe bên trong chứa 10.000USD. Khi vào xe kiểm tra thì tôi phát hiện chiếc túi xách đang nằm ngay trong lưng ghế rồi tôi đưa về cho công ty bàn giao lại cho khách”, anh Thanh nhớ lại.
Gần đây nhất vào tháng 10 vừa qua anh Thanh cũng đã trả lại gần 100 triệu đồng cho hành khách. Anh Thanh kể lại “Khi đó khoảng 6 giờ tối, tôi nhận được cuốc khách đi từ Sài Gòn về Bình Dương, tính tiền xong tôi chạy xe về sân bay Tân Sơn Nhất nhận thêm một cuốc khác người Nhật. Vừa trả khách tới quận 1 thì tổng đài gọi điện thoại báo hành khách trước đó bỏ quên cái bóp trên xe bên trong có 380 ngàn Yen và 22 triệu đồng. Khi nhận được thông báo tôi cũng sợ bởi mình vừa chạy thêm một cuốc khách, cũng may vào xe kiểm tra thì thấy chiếc bóp nằm ngay trên hàng ghế sau”.
Cũng như anh Thanh, anh Hoàng Vũ Cường tài xế của Công ty Vinasun taxi luôn quan tâm niệm rằng “Mình giúp đỡ người khác sau này con cái mình ra đường gặp khó khăn, hoạn nạn cũng được người khác giúp đỡ”. Anh Cường cho biết: “Hôm đó khoảng 10 giờ sáng tôi chở khách về quận 8 đang chạy xe về quận 2, khi đến ngã 3 đường Võ Văn Kiệt - Trần Đình Xu, quận 1 thì bất ngờ có một ông lão chạy xe phía trước ngã xuống đường, theo phản xạ tôi tấp xe vào lề tiến lại gần xem sao thì phát hiện máu me từ lỗ tai ông lão chảy quá nhiều nên tôi cùng một người câu cá bên bờ kênh đỡ ông vào lề đường rồi đưa lên xe đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy xong xuôi tôi chạy xe chở người câu cá lại chỗ cũ rồi tiếp tục chạy xe”.
Cách đây khoảng 5 tháng một nam công nhân làm việc tại tòa nhà Thảo Điền B, quận 2 bị vách tường đổ đè vào chân anh Thanh cũng chạy xe đến nơi xảy ra vụ việc lấy cây nẹp chân người bị nạn rồi đưa lên xe đi cấp cứu. “Tôi luôn suy nghĩ và đặt trường hợp của mình vào, nếu mình bị như vậy không ai giúp đỡ sẽ như thế nào. Tới giờ chạy xe tôi chỉ cần ai cần sự giúp đỡ tôi luôn sẵn sàng kể cả gặp cướp đi đường”, anh Cường khẳng định.
Ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc Công ty Vinasun taxi tặng bằng khen và thưởng nóng 1.000.000 đồng cho tài xế có hành động trả lại tiền cho hành khách bỏ quên trên xe. |
Ông Tạ Long Hỷ - giám đốc Công ty Vinasun taxi cho biết. “Chúng tôi luôn coi việc khen thưởng lái xe có thành tích kinh doanh cao, đạo đức nghề nghiệp tốt. Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn đề cao các nghĩa cử cao đẹp của anh em lái xe khi tự giác trả lại tài vật cho khách hàng rơi rớt hoặc bỏ quên trên xe .Giá trị tài sản hành lý mà anh em lái xe trả lại cho khách hàng là vô giá, việc khen thưởng của công ty đối với anh em chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ghi nhận và vinh danh nghĩa cử cao đẹp của anh em nhằm khích lệ tinh thần”.
Trong năm 2015 tài xế taxi cũng Công ty taxi Vinasun đã trả lại tài sản cho 13.961 hành khách bỏ quên quên trên ước tính giá trị hơn 20.426.937.000 đồng.
15 năm gắn bó với nghề
Gắn bó với nghề đã 15, trải qua nhiều biến cố anh Thanh tâm sự: “Lúc đầu tôi nói ý định đi học lái xe vợ phải đổi quyết liệt lắm bởi nghề này quá nhiều rủi ro, nguy hiểm. Cũng may nhờ bố mẹ vợ động viên, giải thích và lái xe cũng là nghề tôi yêu thích từ nhỏ nên dần dần vợ cũng đồng ý để tôi theo nghề. Bất cứ người phụ nữ nào cũng vậy thôi, không ai muốn chồng mình tới bữa cơm lại không được ở nhà mà phải ăn uống bên ngoài”.
Vào nghề từ năm 2001 tới nay, anh Thanh chia sẻ, hồi mới vào nghề kinh nghiệm chưa nhiều nên chuyện xảy ra sự cố khi lái xe là không thể tránh khỏi. Anh Thanh nhớ lại: “Hôm đó vào khoảng 3 giờ sáng, vì chạy xe đường dài nên tôi khá mệt, rồi cơn buồn ngủ kéo làm tôi không tài nào cưỡng lại được, thế là vừa nhắm mắt một cái thì xe lao ngay xuống một hố rác to ở bên đường. Rất may đó là đường ở nông thôn vắng người nên cả tôi và hành khách trên xe không hề hấn gì. Sau đó bà con xung quanh ra phụ kéo xe lên. Sau này khi đã chạy quen, bất cứ khi nào cảm thấy buồn ngủ thì tôi cho xe dừng lại để đi rửa mặt, mua cà phê uống, còn trong trường hợp chạy xe đường dài thì xin phép khách cho mình dừng lại để chợp mắt khoảng 15 phút, sau đó tiếp tục chạy tiếp”.
Tâm sự của người trong nghề
Anh Thanh cho rằng: “Hiện nay, một vấn đề mà cánh tài xế lo lắng đó là tình trạng cướp xe. Tôi may mắn là chưa gặp các trường hợp như cướp hay uy hiếp, trấn lột, có lẽ do một phần mình cũng đề phòng trước. Tuy nhiên nếu rơi vào tình huống đó thì cũng “bó tay” vì mình ở thế bị động. Các trường hợp cướp taxi bây giờ rất chuyên nghiệp, chúng đều có kịch bản trước nên rất khó ứng phó”.
Anh Thanh cho rằng nghề tài xế là nghề làm dâu trăm họ nên những ai yêu nghề mới gắn bó lâu dài. |
Đối với anh Cường khó khăn nhất của nghề lái xe vẫn là thu nhập. Theo anh Cường để có thu nhập ổn định thì phải cần cù, chịu khó. Lúc mới ra nghề chưa rành đường sá, luật giao thông nên bị phạt thường xuyên, anh đâm ra chán nản. đôi lúc ế khách cũng suy nghĩ hay là bỏ lái xe, kiếm cái gì khác làm. Nhưng suy đi tính lại, giờ gia đình cũng khó khăn, muốn làm ăn thì phải có vốn nên lại tiếp tục gắn bó với nghề.
Chia sẻ về kinh nghiệm lái xe, anh Cường cho hay: “Một người lái xe giỏi là người có kỹ thuật tốt, biết cách làm hài lòng khách hàng, lên xe trò chuyện với khách, lau chùi xe sạch sẽ thường xuyên. Đây là đặc thù của nghề dịch vụ vì vậy không có chỗ cho những người thiếu kiên trì, nhanh nản, không chịu khó học hỏi nghề từ những người đi trước. Vì bất cứ làm nghề nào cũng cần sự nhiệt thành và cái tâm với nghề”.
Nói về những kỷ niệm trong nghề anh Cường vui vẻ nói: “Kỷ niệm thì nhiều lắm nên không nhớ hết, vui có mà buồn cũng không ít, mình cứ phục vụ khách hàng chu đáo là được”. Không riêng gì nghề tài xế mà bất kỳ ngành nghề nào sự phục vụ chu đáo khách hàng cũng đồng thời đem lại lợi ích cho bản thân mình. Khách của anh đa số là những người lớn tuổi. Trò chuyện với chúng tôi nhưng anh Cường luôn nhắc rằng lát nữa phải đi đón một người khách quen. “Bác ấy có người con bị bại não, phải ngồi xe lăn mỗi lần di chuyển rất khó khăn. Do lần đầu mình tận tình đưa bệnh nhân lên xuống nên người ta mới có cảm tình, rồi từ đó mỗi lần đi đâu đều gọi mình, tuy rằng có hơi mệt nhưng vui vì giúp được người khác. Đôi khi gặp những người lớn tuổi mà ở nhà chung cư, đi không nổi nên mình cũng cõng đi lên đi xuống”.
Đời sống xã hội càng phát triển, những loại hình dịch vụ taxi cũng ngày càng nhiều hơn. Mong rằng những tài xế taxi vẫn luôn vững tay lái và có cái tâm với nghề để có những hành động ý nghĩa trong cuộc sống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.