Những kỹ năng đi xe máy an toàn mà ai cũng cần biết

Bạn đọc 24/11/2018 06:50

Dù là đi xe máy hay môtô phân khối lớn thì những kỹ năng dưới đây sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân bạn và những người tham gia giao thông.


an-toan-khi-di-xe-may-1

Tỉnh táo nhận biết để quan sát tốt

Tỉnh táo, tập trung quan sát là yếu tố quan trọng nhất để LXAT. Khi tập trung quan sát tốt phải thể hiện ở tầm bao quát phía trước, tránh liếc qua liếc lại, nhưng cũng không nên giữ hướng nhìn cố định vào một vị trí quá 2 giây.

Chẳng hạn, tình huống đặt ra là cho xe máy rẽ trái theo một góc cua của đường 2 chiều, người lái sẽ phải tập trung quan sát cùng lúc ít nhất là 10 điểm (tính từ trái sang phải): người đi bộ băng qua đường, xe ôtô ngược chiều, người lái xe máy cùng chiều phía trước, ôtô bên phải báo rẽ trái, súc vật nuôi hoặc trẻ em đi trên vỉa hè, đèn tín hiệu giao thông, biển báo giao thông, hình ảnh trên 2 gương trái phải...

Khi lái xe vào ban đêm, người lái càng phải tập trung cao độ do tầm nhìn bị hạn chế. Lúc này độ rủi ro tăng cao, bởi các yếu tố như: đèn pha không đủ soi rõ các chướng ngại vật phía trước, người lái bị pha ngược chiều loá mắt, các phương tiện khác không kịp thấy bạn từ xa... Vì thế, hãy làm mọi cách để các xe khác nhìn thấy bạn như: trang phục sáng màu, dùng còi khi khuất tầm nhìn, không chạy sát phía sau ôtô hoặc di chuyển với tốc độ ngang bằng các xe khác trong điểm “mù” của chúng.

Trước khi đổi hướng phải bật xi nhan, nhìn 2 gương và liếc mắt kiểm soát cả điểm “mù” của gương. Ngoài ra, cần giữ khoảng cách với các xe tải chở vật liệu, chở hàng hoá không được buộc kỹ, vì chúng có thể rơi ngay trước xe bạn.

Vượt xe khác khi cần thiết

an-toan-khi-di-xe-may-2

Phần lớn mọi người cho rằng đi tốc độ chậm, không nên vượt xe khác, đặc biệt các xe to như ôtô tải, container… là an toàn. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều trường hợp, nên vượt những xe to này khi có đủ khoảng trống và thời gian để chủ động tay ga, nếu không rất dễ bị động bởi những tình huống bất ngờ như xe phía trước phanh gấp, rẽ sang hai bên.

Khắc phục điểm “mù” trên gương

an-toan-khi-di-xe-may-3

Theo các chuyên gia LXAT của Honda Việt Nam, gương xe máy cũng có những điểm “mù” giống như ôtô, tức có những vị trí mà người lái không thể nhìn thấy được các xe phía sau, bên cạnh qua gương xe. Do vậy, trong những tình huống không đảm bảo an toàn, người điều khiển cần quay đầu lại quan sát trực tiếp bằng mắt để nhận biết những xe nằm trong vùng khuất tầm nhìn. Lưu ý, chỉ quay đầu thật nhanh qua vai chứ không quay cả người hay vai, vì nếu quay cả người hay vai thì tay lái cũng sẽ quay theo và xe sẽ thay đổi hướng đi, dễ mất thăng bằng và gây nguy hiểm.

Ôm cua và giảm tốc

an-toan-khi-di-xe-may-4

Cần tuyệt đối tránh việc vừa ôm cua vừa sử dụng phanh. Việc này sẽ khiến bạn dễ dàng mất lái và trượt ngã bởi hiện tượng trượt bánh do bó cứng phanh bánh trước hoặc bánh sau.

Hãy giảm tốc trước khi vào cua một đoạn, sử dụng phanh động cơ nếu được để chủ động về tốc độ. Khi vào khúc cua, tốc độ nên là dưới 40 km/h, và sau khi ôm hết đoạn cua, hãy tăng tốc.

Nếu phải sử dụng phanh, hãy phanh nhẹ nhàng, phanh đều cả bánh trước bánh sau, tuyệt đối không phanh bất ngờ. Có thể sử dụng phanh bóp nhả liên tục để giảm tốc, để bánh xe không bị bó cứng.

Đi đúng cấp số

an-toan-khi-di-xe-may-5

Rất nhiều người đặc biệt là phụ nữ chỉ đi ở 1 cấp số, điều khiển xe số như xe ga. Hãy lên, xuống số phù hợp với tốc độ di chuyển để đảm bảo an toàn cho bạn và độ bền của xe. Nếu di chuyển ở đường núi nhiều đèo dốc, sử dụng cấp số thấp và ghi nhớ nguyên tắc “lên số nào, xuống số đó”. Bởi khi lên dốc, số thấp sẽ giúp truyền mô-men lực lớn, còn khi xuống dốc số thấp sẽ ghì xe không chạy theo quán tính, gọi là phanh động cơ.

Ý kiến của bạn

Bình luận