Những kỹ năng lái xe an toàn dưới trời nắng nóng

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Lái xe an toàn 24/06/2019 07:42

Những ngày hè, nhiệt độ tăng lên mốc trên 400C, việc lái xe dưới trời nắng nóng khiến người tham gia giao thông ở trạng thái khó chịu, dẫn tới thiếu quan sát cũng như bỏ qua những quy tắc đảm bảo an toàn.

 

DSC_2694

Tuân thủ pháp luật

Từ khoảng 10 giờ đến 15 giờ là thời điểm nắng nóng đỉnh điểm trong ngày, khiến cho việc lái xe thực sự là “hành trình gian nan”. Cường độ ánh nắng lớn khiến cho việc quan sát trở nên khó khăn, thể trạng mệt mỏi, khó chịu. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để có thể lái xe an toàn là phải giữ được tâm lý thật tốt, tập trung lái xe và hạn chế lái xe khi thể trạng không tốt.

Đặc biệt, người lái xe phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật và quy tắc an toàn, tuyệt đối không thực hiện những hành vi mà người điều khiển phương tiện thường có xu hướng làm khi lái xe dưới trời nắng như chạy xe nhanh, dừng xe ở bóng râm trên đường. Việc dừng phương tiện đột ngột, không đúng nơi quy định sẽ gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện đi phía sau.

Đảm bảo sức khỏe

20150528135709-1

 Nhiệt độ ngày một tăng cao cũng khiến cho hiện tượng sốc nhiệt dần trở nên phổ biến. Trên thực tế, biểu hiện sốc nhiệt khi từ ô tô bước ra ngoài nguy hiểm hơn nhiều so với sốc nhiệt khi từ phòng điều hòa ra ngoài trời. Lý do là vì không gian bên trong ô tô rất hẹp nên có nhiều khí CO2 hơn và người sử dụng ô tô thường có thói quen để điều hòa chiếu thẳng vào cơ thể.

Sự chênh lệch nhiệt độ lớn đột ngột có thể dẫn tới hiện tượng đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ và sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng đối với người có tiền sử cao huyết áp, bệnh tim mạch…

Vậy, để tránh nguy cơ sốc nhiệt, trước khi khởi động xe, người sử dụng ô tô cần tắt chế độ điều hòa A/C, tắt quạt. Tiếp đó khi khởi động xe, hãy bật quạt thông gió, mở cửa kính để thổi bớt khí nóng ra ngoài, đóng cửa kính rồi mới bật điều hòa và tăng dần mức độ lạnh, tốc độ quạt gió để cơ thể thích nghi từ từ. Khi dừng xe hay tắt máy, hãy tắt điều hòa A/C, tắt quạt rồi mới mở cửa và ra ngoài. Nhiều lái xe kinh nghiệm còn tăng nhiệt độ lên khi sắp tới điểm đến để cơ thể thích nghi dần trước khi bước ra bên ngoài.

Đối với người sử dụng xe máy, việc trang bị đồ bảo hộ chống nắng phù hợp là điều rất cần thiết để bảo vệ cơ thể tránh các tác hại trực tiếp của nắng gắt. Nhiệt độ trên đường nhựa những ngày nóng đỉnh điểm có thể đạt tới 600C, cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ 36,5 của cơ thể con người. Những thiết bị bảo hộ sẽ tạo lớp cách nhiệt với môi trường bên ngoài, tránh mất nước cho cơ thể.

Tuy nhiên, việc trang bị đồ bảo hộ cần phải tránh sự rườm rà, gây ảnh hưởng tới việc quan sát. Trên thực tế, nhiều phụ nữ thường sử dụng cùng lúc khẩu trang, áo, mũ, kính chống nắng rườm rà khiến việc xoay cổ hay đánh mắt quan sát xung quanh trở nên khó khăn, đây sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn không đáng có.

Ngoài ra, tài xế cũng cần hạn chế lái xe trong khung giờ nắng nóng đỉnh điểm. Trong trường hợp lái xe với hành trình dài, hãy tuân thủ quy tắc cứ sau 02 giờ lái xe nên nghỉ 15 phút. Cùng với đó, hãy cần bù nhiều nước hơn so với bình thường, nên sử dụng loại nước chứa nhiều muối khoáng để bù lại lượng muối đã mất khi ra nhiều mồ hôi.

Bảo đảm hoạt động của phương tiện

Ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho con người thì phương tiện cũng cần được “nghỉ ngơi” để hạn chế xảy ra sự cố do quá tải, đặc biệt là cần chăm chút hệ thống làm mát. Thời tiết nóng làm máy nóng hơn bình thường dẫn tới dễ gặp sự cố. Chính vì vậy, hãy thay dầu máy, dầu phanh đúng định kỳ để bảo đảm chất lượng làm mát.

Việc rửa xe đều đặn cũng rất cần thiết vì nắng nóng khiến xe dễ bị bám bụi bẩn, cát, bùn bám ở động cơ, lọc gió, đường ống dẫn... khiến động cơ làm việc nhanh nóng hơn, giảm hiệu quả. Cần lưu ý không được rửa xe khi máy còn nóng. Ngoài ra, bộ phận lọc gió cần được kiểm tra thường xuyên, thay thế lọc gió khi cần thiết.

Đối với lốp xe, nguy cơ nổ lốp cao hơn bình thường do tiếp xúc trực tiếp với mặt đường có nhiệt độ rất cao khiến không khí bên trong giãn nở. Chính vì vậy, hãy kiểm tra lốp thường xuyên và thay mới khi quá mòn, không đảm bảo; không bơm lốp quá non, quá căng, để áp suất lốp vừa phải. Hãy thay lốp khi lốp đã cũ và đừng tiếc tiền với quan niệm “lốp vẫn còn sử dụng được”.

Một trong những chi tiết cũng cần lưu ý tới tài xế ô tô là việc để chai nước trong xe dưới trời nắng nóng có nguy cơ gây ra hỏa hoạn. Chai nước với sự kết hợp của nhựa và nước có thể trở thành một thấu kính hội tụ ánh sáng và nhiệt lượng tại một điểm nếu bị ánh nắng chiếu vào trực tiếp ở góc nghiêng phù hợp và có thể gây ra hỏa hoạn. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong xe ô tô khi để ngoài trời có thể lên đến 700C, vì vậy hãy để chai nước ở nơi khuất ánh nắng hoặc phải được che đậy cẩn thận.

Ý kiến của bạn

Bình luận