Những lái tàu đón Tết xa nhà

Xã hội 05/02/2019 07:52

Lúc giao thừa, ông Nguyễn Cảnh Dương thường kéo hồi còi dài đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

 

anh-Duong-4696-1548670462
Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương. Ảnh: Đoàn Loan. 

Giáp Tết là dịp cao điểm của ngành đường sắt, lượng tàu tăng gấp đôi ngày thường. Lái tàu phải thay ca chạy tàu, nhiều người chỉ kịp về nhà tắm rồi vội vã lên ban nhận tàu tiếp tục khởi hành. Khác với mọi người hỏi thăm khi nào được nghỉ Tết, những lái tàu hỏi nhau năm nay ăn Tết ở đâu, mùng mấy về nhà.

34 năm lái tàu, ông Nguyễn Cảnh Dương (54 tuổi, công tác ở Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) hiếm khi được ăn Tết ở nhà. Các năm trước, ông thường đi chuyến từ tối giao thừa hoặc mùng 1 vào đến Đà Nẵng rồi quay ra. Còn năm nay sắp nghỉ hưu nên ông được ưu tiên không phải trực Tết.

Cánh lái tàu có cách rất riêng chào đón năm mới. Khi đồng hồ điểm 12h đêm, ông Dương thường kéo hồi còi dài phá tan không gian tĩnh mịch, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhắc mọi người chú ý con tàu. "Đầu máy chỉ có hai lái tàu. Hồi trẻ tôi rất buồn, nhớ nhà, còn bây giờ quá quen với cảm giác đó nên không còn buồn nữa", ông Dương nói. 

Sau hồi còi, lái chính và lái phụ bắt tay nhau chúc mừng năm mới, rồi lại căng thẳng quan sát phía trước bởi giao thừa mọi người đi chơi xuân, đi lễ nhiều. Nhiều người chếnh choáng hơi men, không chú ý đến tàu.

Lái tàu được 11 năm, anh Bùi Thanh Tùng (36 tuổi, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) chia sẻ đêm giao thừa thường rất nhớ gia đình, nhớ cảm giác ấm cúng khi cả nhà làm cơm cúng và quây quần bên nhau. Có năm lái phụ trẻ tuổi đi cùng anh đã khóc tu tu khi gọi điện về hỏi thăm gia đình.

Nhưng anh Tùng bảo đón Tết trên tàu cũng có cái thú riêng. Có năm anh chưa vào ca làm việc nên được đón giao thừa cùng hành khách. Tất cả khách và nhân viên coi nhau như một gia đình, cùng chúc tụng, ăn uống. Khi tránh tàu ở các ga, trực ban ga thường mang bánh chưng, xôi gà mời lái tàu và hành khách. Lúc đó anh cảm giác "rất ấm lòng, quên đi nỗi nhớ nhà".

Để có thể yên tâm lái tàu vào dịp Tết, trước đó anh Tùng thường đưa vợ con đi sắm đồ, đưa các con về ông bà nội để yên tâm lên đường. "Hai con tôi thường hỏi sao Tết bố vẫn đi làm, bao giờ bố về? Chúng luôn mong ngóng tôi về để được đưa đi chúc Tết. Làm nghề này, vợ con thường thiệt thòi", anh Tùng kể.

Ông Nguyễn Cảnh Dương trước khi kết hôn đã đưa vợ chưa cưới lên thăm tàu để hiểu được những vất cả của nghề. Mấy chục năm vắng chồng dịp Tết, vợ ông chu toàn việc chúc Tết bà con hai bên nội ngoại, mua sắm cho các con. "Tôi luôn muốn ở nhà ngày 30 Tết để cúng tất niên, sum họp với đại gia đình, song hiếm khi được ở", ông chia sẻ.

Dịp Tết xa nhà đáng nhớ nhất với ông Dương là vào năm 2008, khi vợ chuẩn bị sinh con thì ông phải lái tàu khách vào Đồng Hới (Quảng Bình). Trên đường đi, đầu máy bị hỏng, ông phải chờ đợi vài ngày để đơn vị ở Hà Nội mang máy hàn vào cắt, sau đó lắp đầu máy của ông vào một tàu khác để kéo ra Bắc.

Khi đó, vợ ông chuẩn bị sinh con nên rất lo lắng, muốn chồng về nhà. Còn ông ở Đồng Hới cũng rất sốt suột mà không thể bỏ đầu máy về Hà Nội được. Sau 4 ngày nằm chờ trực ở Đồng Hới, ông về nhà kịp đón con chào đời. 

Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn nhà neo người, song may mắn có các em gái ở gần chăm sóc bố mẹ già đã hơn 80 tuổi. "Nếu không có ai giúp đỡ bố mẹ, có khi tôi phải chuyển việc về gần nhà", anh Sơn nói.

Ông Sơn, anh Dương, anh Tùng chia sẻ, trót yêu công việc lái tàu nên gắn bó, chứ thực sự nghề vất vả, luôn đối mặt nguy cơ va chạm với phương tiện khác. Nhiều lái tàu đã bị thương tật, thậm chí vướng lao lý. Thu nhập của lao động đường sắt nói chung, lái tàu nói riêng còn thấp so với nhiều ngành nghề. Lương tối đa với lái tàu hiện 10 triệu đồng mỗi tháng.

"Khi ngồi buồng lái, chúng tôi phải liên tục quan sát phía trước để nhận biết tín hiệu ra vào ga, phương tiện qua đường ngang để xử lý kịp thời; để ý giờ tàu, trạng thái hoạt động của đầu máy để đưa tàu về đúng giờ, phát hiện các hư hỏng", anh Sơn nói.

Ông Quách Tuấn Anh, Quản đốc phân xưởng vận dụng, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, cho biết trong ngày 30 Tết, đơn vị có hơn 80 lái tàu trên các cung đường, còn trong dịp Tết thì toàn bộ 342 lái tàu phải làm việc. Đơn vị thường bố trí cho anh em lái tàu nghỉ ngơi trước Tết với gia đình.

Vào 21h tối giao thừa, lãnh đạo xí nghiệp tổ chức một bữa tiệc nhỏ để chúc Tết và tiễn anh em lái tàu đến hết chuyến tàu ngày 30. Tại trạm nghỉ ở các ga, đơn vị cũng tổ chức nấu cơm miễn phí cho anh em lái tàu vào những ngày Tết. "Dịp này, chúng tôi tặng quà Tết, lì xì cũng như thường xuyên động viên để các anh làm việc trên đường đỡ nhớ nhà", ông Tuấn Anh nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận