Ảnh minh hoa |
Quá trình đánh bắt cá ở trong vùng biển vịnh Bắc bộ, không sang vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc bộ (trừ các tàu được cấp phép đánh bắt trong vùng nước Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc). Các tàu Việt Nam được cấp giấy phép đánh bắt thủy sản trong vùng đánh cá chung theo Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc cần treo quốc kỳ Việt Nam và phải có dấu hiệu nhận biết theo quy định của Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc.
Khi đánh bắt ở vùng biển phía Đông và phía Tây Nam bộ, không vượt quá ranh giới trên sơ đồ hoặc vào vùng biển nước khác, trừ trường hợp Việt Nam có thỏa thuận với các nước đó. Các tàu cá đánh bắt theo hình thức liên doanh với nước ngoài phải mang theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết do cơ quan có thẩm quyền cấp để xuất trình khi được yêu cầu.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị nước ngoài tạm thời chiếm đóng trái phép. Trong khi Chính phủ Việt Nam kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi liên quan, ngư dân cần chú ý khi đánh bắt ở những khu vực này, tránh để nước ngoài bắt giữ người hay tịch thu tàu, phương tiện hành nghề.
Không vi phạm vành đai an toàn tối thiểu 500 m xung quanh giàn khoan hay các công trình biển; không hoạt động tại các khu vực có diễn tập quân sự. Ngư dân liên hệ với các đài thông tin để biết khu vực có diễn tập quân sự hoặc giàn khoan hoạt động.
Nên tổ chức khai thác hải sản theo mô hình tổ, đội để hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, thiên tai trên biển.
Không vận chuyển, mang theo hoặc mua bán, sử dụng chất nổ, vũ khí súng đạn hoặc chất độc hại trên tàu; không khai thác nguồn lợi thủy sản bằng chất nổ, chất độc hại, xung điện và các phương pháp đánh bắt có tính hủy diệt khác; không sử dụng các loại ngư cụ bị cấm; không đánh bắt các loại thủy sản bị cấm khai thác, kể cả san hô. Ngư dân cần nắm vững các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các khu vực cấm khai thác, các loài cấm khai thác và thời hạn cấm.
Khi đánh bắt tại các vùng giáp ranh với các vùng biển nước ngoài, cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu cá, ngư cụ trôi dạt sang vùng biển nước khác. Trong trường hợp ngư dân, tàu thuyền ta tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới hoặc xin cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp ở vùng biển nước ngoài, cần tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp của các nước; ngư lưới cụ phải được niêm phong, phát các tín hiệu cấp cứu cần thiết. Vi phạm khi tránh trú được coi là xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Trong quá trình khai thác thủy sản trên biển luôn giữ thông tin liên lạc thông suốt với đất liền, không tắt máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát tàu cá. Khi gặp sự cố trên biển, phát hiện tàu cá khác gặp nạn phải hỗ trợ, ứng cứu kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho các tàu khác đang đánh bắt ở khu vực và các cơ quan chức năng của Việt Nam. Khi phát hiện tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Việc báo cáo, cung cấp và trao đổi thông tin trong mọi trường hợp cần kịp thời, chính xác để giúp các cơ quan chức năng phối hợp xử lý có hiệu quả.
Không được đánh bắt tại vùng biển nằm ngoài đường phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trên biển giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực (trừ khi có thỏa thuận hợp pháp khác).
Ngoài các lưu ý trên đây, ngư dân cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn khác có liên quan của các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.