Những lưu ý quan trọng nếu muốn dùng sơ đồ dạy Lịch sử

07/08/2016 05:37

Dạy học lịch sử cần thiết phải tạo ra hình ảnh sinh động và xúc cảm lịch sử cho học sinh.

1_IYBK

Sử dụng kết hợp với những phương pháp khác

Sử dụng phương pháp sơ đồ hóa có ưu thế trong việc hệ thống hóa, khái quát hóa kiến thức nhưng lại thiếu những hình ảnh cụ thể về sự kiện, hiện tượng.

Để khắc phục những hạn chế đó, cách hữu hiệu nhất là giáo viên phải kết hợp sử dụng sơ đồ với các phương pháp dạy học khác như phương pháp hỏi đáp, tìm tòi bộ phận, phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp trực quan…

Việc tích hợp các phương pháp này sẽ tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng lớn, góp phần làm phát huy tối đa tác dụng của sơ đồ.

Ví dụ: Khi sử dụng sơ đồ ba đẳng cấp (Xem phụ lục – Sơ đồ 28) để làm rõ sự mâu thuẫn trong lòng xã hội Pháp, giáo viên cần phải tác động mạnh mẽ hơn nữa đến tình cảm của học sinh bằng cách sử dụng bức tranh biếm họa Tình cảnh người nông dân Pháp trước cách mạng, miêu tả một người nông dân già nua, gầy còm, ốm yếu đang phải còng lưng cõng trên mình hai tên béo mập là quý tộc và tăng lữ, trên người chúng còn giữ bao nhiêu các văn tự, khế ước, giấy ghi nợ của người nông dân.

Dựa trên bức tranh đó, giáo viên miêu tả đời sống của người nông dân vô cùng cực khổ dưới ách áp bức, bóc lột của bọn quý tộc: trong khi mùa màng đói kém, họ lại phải nộp hàng trăm thứ thuế vô lí như phải nộp thuế cầu trong khi cầu đã gẫy, thuế sử dụng lò bánh mì và lò rèn trong khi những thứ ấy đều không sử dụng được…

Nếu người nông dân chỉ lỡ tay giết chết một con thỏ hoặc một con chim của chúa đất chỉ vì chúng phá hoại mùa màng, họ có thể phải trả giá bằng cả tính mạng. Sau đó, giáo viên trích dẫn lời của một nhà văn Pháp (tài liệu văn học) để khắc sâu hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người nông dân khiến họ không khác gì thú vật:

“Người ta thấy một số thú vật dữ tợn đực và cái rải rắc khắp các xóm làng, sạm đen, hốc hác và rám nắng, bám chặt vào mảnh đất mà chúng đang đào xới một cách nhẫn nại. Chúng có cái gì đó giống như một giọng nói, và khi chúng đứng lên, người ta thấy chúng có bộ mặt người và quả thực chúng là những con người”.

Sử dụng tích hợp các biện pháp như vậy khiến cho kiến thức mà học sinh lĩnh hội được trở nên vững chắc hơn và làm cho các em hình thành được xúc cảm thực sự.

Tỉ mỉ, cẩn trọng trong hướng dẫn học sinh làm việc với sơ đồ

Bước đầu làm quen với phương pháp sơ đồ hóa kiến thức, nhất là khi tự lực xây dựng sơ đồ, học sinh sẽ không tránh khỏi lúng túng, giáo viên phải có nhiệm vụ theo sát và hướng dẫn các em tỉ mỉ, có hình thức giúp đỡ các em kịp thời để không bị “hổng” bất kì một thao tác nào.

Bắt đầu từ việc theo dõi những sơ đồ do giáo viên thiết lập sẵn, đến việc tự lực tìm kiếm kiến thức trong tài liệu giáo viên cung cấp và thiết lập một số sơ đồ đơn giản, làm quen và nhanh chóng thành thạo việc đọc và giải mã sơ đồ, cuối cùng, mức độ cao nhất là học sinh tự lập được những sơ đồ ngày càng phức tạp. Đó là tiến trình các giai đoạn làm việc với sơ đồ.

Không nên chỉ dừng lại ở những cách thức khai thác sơ đồ đơn giản mà nên tăng dần độ khó để tạo điều kiện cho học sinh tự hình thành kĩ năng một cách thực chất. Tiến trình đó chỉ có thể được thúc đẩy với lòng nhiệt tình và tài năng của nhà giáo cùng với thái độ học tập tích cực từ phía học sinh.

Tôn trọng ý kiến học sinh, thực hiện triệt để nguyên tắc vừa sức và cá biệt hóa

Không có bất kì một khuôn mẫu nào trong việc xây dựng và sử dụng sơ đồ, giáo viên cần tôn trọng những ý tưởng của học sinh, khéo léo sửa chữa, uốn nắn những điều chưa chính xác và thường xuyên động viên, khuyến khích để kích thích tinh thần sáng tạo, đam mê, phát hiện của học sinh.

Hoạt động tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh không đồng đều và theo hướng khác nhau. Giáo viên không nên gò ép tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh giỏi, đồng thời có biện pháp kích thích và dẫn dắt tư duy cho các học sinh yếu với phương châm:

Học sinh phải huy động mọi nguồn lực có trong tay và trong tầm tay trước khi sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đảm bảo nguyên tắc vừa sức và cá biệt hóa sẽ làm cho những tác dụng của phương pháp sơ đồ hóa được khai thác và phát huy tối đa.

Sử dụng đa dạng các loại, các hình thức sử dụng sơ đồ 

Việc Sử dụng đa dạng các loại, các hình thức sử dụng sơ đồ trong dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, không gây nhàm chán và nhất là rèn luyện cho học sinh tư duy nhanh và linh hoạt do phải tiếp cận với nhiều loại sơ đồ khác nhau. Ngoài ra cần phải khai thác sơ đồ trên cả hai mặt của nó: như một phương tiện và một phương pháp dạy học.

Sử dụng thường xuyên trong các khâu của quá trình dạy học

Sử dụng thường xuyên trong các khâu của quá trình dạy học sẽ khai thác được tối đa hiệu quả của sơ đồ, tạo cho học sinh thói quen sử dụng sơ đồ để giải quyết vấn đề, củng cố kĩ năng thường xuyên cho các em và nhất là tạo cho các em những tình huống khác nhau để rèn luyện khả năng thích ứng, linh hoạt.

Cô Mai Thị Thùy Dương - Trường THPT Mỹ Tho (Nam Định)

Ý kiến của bạn

Bình luận