Những người bán hàng rong có thể thành cứu tinh cho nền kinh tế Indonesia

Tác giả: vnreview

saosaosaosaosao
Xã hội 23/09/2017 18:01

Khoảng 60% nền kinh tế của Indonesia phụ thuộc vào khu vực kinh tế không chính thức.

 

photo-0-1506132731079-37-0-787-1200-crop-150613861

Indonesia, với 250 triệu dân, đã trở thành một cường quốc kinh tế ở Đông Nam Á. Trong số các quốc gia G20, chỉ có duy nhất Trung Quốc có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn đất nước này.

 Khi được hỏi về Indonesia, nhiều người thường nghĩ tới hình ảnh một quốc gia đông dân của Thế giới thứ ba, một quần đảo nhiệt đới khổng lồ, nơi người dân vẫn sống trong các khu rừng nhiệt đới, và tất nhiên cả những điểm nóng du lịch như đảo Bali. Tuy nhiên, còn có nhiều điều khác về Indonesia bên ngoài những suy nghĩ rập khuôn như vậy.

Bất chấp sự phát triển kinh tế tuyệt vời này, những ý tưởng của chủ nghĩa tự do cổ điển - ủng hộ quyền tự do dân sự dưới sự cai trị của luật pháp với sự nhấn mạnh vào tự do kinh tế - vẫn phải đối mặt với nhiều bối rối, thậm chí chối từ của đại đa số người dân. Một trường hợp ngoại lệ ủng hộ tự do kinh doanh là nhóm dân thường Indonesia làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Những con phố ồn ào, những người bán hàng rong bận bịu

Ở Indonesia, cách đơn giản nhất để tìm được một bữa ăn ngon với giá cả phải chăng là đến với một trong những hàng rong rải rác trên khắp các thành phố lớn nhất của quốc gia này. Ẩn giữa các tòa nhà chọc trời của Jakarta, bạn có thể nhìn thấy họ bán hàng trên các con phố nhỏ gần các tuyến giao thông chính. Họ cung cấp nhiều loại thức ăn đa dạng như cơm rang, cháo, gà chiên hay cá trê rán ngập dầu.

Chủ của một trong các hàng ăn đường phố này là Budi – một người đàn ông 39 tuổi thấp bé với đôi mắt sắc bén. Đến từ một ngôi làng nhỏ ở Indonesia và thiếu giáo dục chính quy, khó có thể tưởng tượng được Budi có thể kiếm sống được ở một thành phố lớn như Jakarta. Khu vực đại đô thị của Jakarta hiện lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số là 30,2 triệu người.

Bất chấp tất cả, ông đã rất thành công với việc kinh doanh bán cá trê chiên ngập dầu của mình. Khách hàng của ông đến từ mọi tầng lớp, từ những người phải dựa vào những chiếc xe đạp cũ để đi làm hàng ngày cho đến những lao động trí thức lái những chiếc ô tô thể thao châu Âu đắt tiền. Một phần lợi nhuận kiếm được từ gian hàng của mình được ông sử dụng để tài trợ một suất học bổng cho trẻ em từ làng quê của ông.

Khi được hỏi tại sao ông lại làm điều đó, ông trả lời: “Vào thời của tôi, rất khó để được đi học tử tế nếu bạn không đến từ một gia đình giàu có. Chính phủ không giúp đỡ gì bạn cả (không có trợ cấp cho giáo dục). Nhưng người dân không thể đợi cho đến khi điều gì đó mơ hồ như sự can thiệp của chính phủ xảy ra. Vậy thì tại sao tôi không tự mình thực hiện bước đầu tiên và cố gắng giúp đỡ người khác?”

Budi không phải là ngoại lệ. Ở Indonesia, có rất nhiều người như ông ấy; những người từ những ngôi làng nhỏ đến với các thành phố lớn như Jakarta để buôn bán hàng rong, và gửi tiền về nhà giúp đỡ người thân và bạn bè.

Khu vực phi chính thức

Khoảng 60% nền kinh tế của Indonesia phụ thuộc vào khu vực kinh tế không chính thức. Việc tham gia vào khu vực kinh tế này dễ đến mức người dân quốc gia này truyền miệng nhau rằng “ở Indonesia, bạn có thể dễ dàng bắt đầu kinh doanh bằng cách bán cơm rang ngày hôm nay, và nếu bạn phá sản, bạn có thể bắt đầu lần nữa bằng cách bán cháo vào ngày mai.”

Thật không may, những người tìm kiếm cơ hội đổi đời ở các thành phố của Indonesia lớn phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Do tình trạng pháp lý không rõ ràng của họ, họ phải hối lộ cho các quan chức chính phủ. Các chủ hàng rong không thể trả tiền tại chỗ có nguy cơ bị phá hoại quầy hàng, bị xem nhẹ kể cả những khía cạnh cơ bản nhất của quyền tư hữu.

Budi cũng từng là nạn nhân của những vụ ‘tấn công’ như vậy: “Trong 10 năm làm ăn của tôi, tôi đã phải đối mặt với việc bị tịch thu tài sản trong suốt 5 năm, và một lần quầy hàng của tôi bị phá hoại bởi chính quyền, mặc dù tôi luôn trả phí cho họ.” Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, nhiều nhân viên của chính phủ không tuân theo luật pháp và nạn tham nhũng tràn lan.

Vậy tại sao Budi và những người kinh doanh như ông lại không đăng ký kinh doanh? Tất nhiên họ muốn làm như vậy, nhưng nó không hề đơn giản. Thủ tục rườm rà đã là một nét đặc trưng trong bộ máy quan liêu của Indonesia, đòi hỏi rất nhiều giấy phép trước khi bất cứ doanh nghiệp tư nhân nào có thể chính thức tiếp tục các hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, việc tiếp tục kinh doanh không chính thức vẫn là một giải phép ít tốn kém hơn.

Theo Chỉ số tự do kinh tế hằng năm của Heritage Foundation, Indonesia chỉ đứng thứ 84, bị bỏ xa so với các nước láng giềng như Malaysia, Singapore hay Philippines. Mặc dù các quyền tư hữu được tôn trọng rộng rãi, nhưng việc thực thi không hiệu quả và đáng tin, và quá trình đăng ký tài sản có thể gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nhân của khu vực kinh tế phi chính thức không thể đưa hoạt động kinh doanh của họ tới giai đoạn tiếp theo vì các rào cản pháp lý. Trong khi đó, các ngân hàng thường ngại cho những người kinh doanh này vay tiền vì khu vực phi chính thức không thể cung cấp tài sản thế chấp mà họ mong muốn.

Như vậy, một vòng lẩn quẩn đã được thiết lập. Các doanh nghiệp bị kìm hãm phát triển bởi việc có quá nhiều các quy định. Sau đó, vì họ không thể phát triển, họ không tìm được bất kỳ chủ nợ nào để giúp họ vượt qua những trở ngại về pháp lý.

Tương lai nào cho những người bán hàng rong?

Không có gì ngạc nhiên khi những ý tưởng về tự do kinh tế như thị trường tự do, quyền tư hữu và chính phủ nhỏ đang trở thành niềm hy vọng cho những người Indonesia như Budi.

Trên thực tế, một số cuộc cải cách hành chính dù muộn màng cũng đang được thực hiện. Nhiều thành phố lớn ở Indonesia đã sửa đổi luật cho phép việc thu phí của những người bán hàng rong và đã cắt giảm số giấy phép mà doanh nghiệp cần để được hợp pháp hóa.

Vẫn còn là một chặng đường dài phía trước nhưng sự chuyển đổi về tự do kinh tế gần đây trong chính sách đã đem lại hy vọng mới cho những người bán hàng rong ở Indonesia.

Ý kiến của bạn

Bình luận