Những người giữ “hồn” chiêng giữa đại ngàn

Tác giả: tôn bảo

saosaosaosaosao
Xã hội 28/03/2018 06:26

Khi ngọn lửa thiêng được thắp sáng, âm vang của cồng, chiêng được tấu lên, bữa tiệc âm nhạc kéo dài thâu đêm giữa đại ngàn. Có lẽ, nhờ họ mà tiếng chiêng, tiếng cồng, điệu xoang cùng nét văn hóa của người Tây Nguyên được giữ gìn và lan tỏa.

 

02
02

 Khi cồng chiêng là một phần của cuộc sống

Làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai nằm nép mình dưới những chân núi cao hút. Một buổi chiều muộn những ngày đầu năm, khi những tia nắng cuối ngày đang dần tắt sau lưng núi, bà con dân bản nơi đây với những bộ áo quần thổ cẩm lộng lẫy, già trẻ, gái trai với gương mặt hớn hở nườm nượp chảy dài về ngôi nhà rông cùng vui ngày hội đầu xuân. Khi ngọn lửa hồng được thắp sáng, đêm hội cộng đồng được bắt đầu, âm vang của tiếng chiêng, tiếng cồng hòa quyện cùng điệu xoang tưng bừng, hối hả mời gọi mọi người bước vào một đêm vui bất tận.

Đối với người Tây Nguyên, trong các sự kiện có tính cộng đồng không thể thiếu điệu xoang, ché rượu cần và các nhạc cụ cồng chiêng, đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng nơi đây.

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn hùng vĩ, giữa không gian văn hóa cồng chiêng mê đắm lòng người, tuổi thơ của già Y Kring (74 tuổi, làng Kon Măh) được ru bằng nhịp chiêng vọng qua những nếp nhà sàn. Có lẽ nhờ thế, đôi tay của già Y Kring đã gõ đúng nhịp chiêng từ rất sớm.

Năm 15 tuổi, già đã được người anh dạy đánh cồng chiêng và hai năm sau thì già đánh thành thạo. Bây giờ già có thể đánh được hàng chục bài chiêng, bản thân già cũng đã đi biểu diễn cồng chiêng khắp huyện, tỉnh. Khi được khen là người đánh chiêng giỏi, già Y Kring cười: “Còn nhiều người giỏi hơn già nữa. Trong làng người biết đánh cồng chiêng nhiều vô kể, đếm mãi cũng không hết. Người biết đánh có người lớn, người trẻ và cả phụ nữ. Đặc biệt, nhiều đứa trẻ mới lớn cũng đánh cồng chiêng thành thạo. Các cháu đều là tài năng của làng. Nghe các cháu đánh chiêng thấy sướng cả người”.

Nói rồi, già Y Kring chỉ qua chỗ Y Ngân (13 tuổi) - một tài năng đánh cồng chiêng. Cậu bé Y Ngân gầy còm, da ngăm đen, tính khá rụt rè. Khi nhắc đến cồng chiêng, Y Ngân mắt rực sáng, gương mặt hiện lên sự hào hứng. Y Ngân bắt đầu học đánh cồng chiêng từ năm 10 tuổi. “Hồi ấy thấy người dân trong làng hay đánh chiêng nên em rất thích. Sau này được thầy Y Xô mở lớp truyền dạy nên ngày thì em đi học chữ, tối đến nhà rông học đánh cồng chiêng. Học đánh chiêng rất khó và vất vả. Những bài chiêng bị quên, em phải lân la đến nhà nghệ nhân hỏi thêm. Đến nay em đã đánh thành thạo 5 bài chiêng. Nhiều cuộc thi đánh chiêng ở huyện, tỉnh, đội chiêng của em đều được cử đi thi”, Y Ngân tâm sự.

Theo anh Im - Trưởng thôn Kon Măh thì hiện thôn có 80 hộ với 480 khẩu, trong đó hầu hết đàn ông đều biết đánh chiêng, còn các em nhỏ độ tuổi sinh năm 2001 - 2013 thì hầu như đều biết đánh. Trong những người biết đánh chiêng, thôn tuyển chọn ra những người đánh giỏi để thành lập 4 đội chiêng gồm đội chiêng già, chiêng nữ, chiêng nhí và chiêng thanh niên, mỗi đội có 12 người. Những đội chiêng này lập ra để đi thi trong các cuộc thi hoặc biểu diễn, phục vụ trong các dịp lễ, Tết.

Truyền dạy để bảo tồn

Anh Im cho biết, thôn anh dù đời sống còn khó khăn nhưng người dân rất có ý thức trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Nhiều năm trước, số lượng người biết đánh chiêng rất ít và người đánh được chủ yếu là người lớn tuổi. Trong khi đó, lớp trẻ bị cuốn vào các loại hình âm nhạc mới lạ khác nên không còn mặn mà đến cồng chiêng, điều này khiến cho người dân lo sợ khi lớp già chết thì cồng chiêng sẽ thất truyền.

“Cồng chiêng là văn hóa gắn liền với người Ba Na chúng tôi. Thử tưởng tượng sau này làng vắng tiếng chiêng thì sẽ rất buồn. Nỗi trăn trở này khiến lãnh đạo thôn suy nghĩ phải tìm cách bảo tồn, nhân rộng. Chúng tôi thống nhất sẽ mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ tại làng. Để làm điều này, già làng, nghệ nhân phải băng đồi vượt núi xuống từng nhà các em để vận động đi học. Khi đã thuyết phục được các em, các nghệ nhân thay nhau truyền dạy hết lớp này đến lớp khác. Nhờ thế, số lượng người biết đánh cồng chiêng cứ tăng dần lên. Bây giờ các em sinh các năm từ 2001 - 2003 thì hầu như ai cũng biết đánh, thậm chí các em đi thi đạt giải cao ở tỉnh càng khiến chúng tôi vui mừng hơn”, anh Im tự hào.

Anh Y Xô - nghệ nhân cồng chiêng, cũng là người trực tiếp mở lớp truyền dạy cồng chiêng nhí trong làng cho biết, anh trực tiếp dạy đánh chiêng cho 7 lớp, mỗi lớp khoảng 18 em. Anh Y Xô bộc bạch: “Bản thân tôi cứ ngày lên rẫy trồng mì, bắp, tối đến nhà rông dạy đánh chiêng. Nhiều lúc đi làm mệt mỏi, muốn ngả lưng ngủ cho lại sức nhưng lại có lịch nên phải cố gắng lên nhà rông chong đèn truyền dạy. Biết vất vả nhưng nghĩ đến việc nhờ mình dạy mà các em ai cũng biết đánh chiêng, rồi từ đó văn hóa cồng chiêng của cha ông được lưu truyền đã trở thành động lực để mình cố gắng vượt qua khó khăn”.

Nhiều năm qua, mỗi dịp xuân về hay lễ hội văn hóa của quê hương, đất nước, các đội chiêng đều được chọn tham gia biểu diễn, góp phần mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa Tây Nguyên đến với cộng đồng.

Ông Thưuh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây cho biết: “Những năm gần đây, làng Kon Măh không chỉ từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ tạo được phong trào học hỏi rộng khắp trong cộng đồng, làng Kon Măh còn thường xuyên đại diện cho địa phương tham gia các hội thi, hội diễn. Gần đây nhất, làng Kon Măh còn tham gia biểu diễn phục vụ du khách trong lễ hội hoa dã quỳ, núi lửa Chư Đăng Ya và được nhiều người ngợi khen”

Ý kiến của bạn

Bình luận