Những người giữ luồng đường thủy nơi địa đầu Tổ quốc

Doanh nhân 25/01/2020 20:05

Hầu hết các tuyến đường thủy quốc gia do Công ty CPQL đường sông số 3 quản lý, bảo trì đều có điều kiện khí hậu, thủy văn vô cùng khắc nghiệt.

 

phao-bao-hieu-bi-troi-giat-sang-trung-quoc-duoc-ti
Phao báo hiệu bị trôi dạt sang Trung Quốc được tìm lại, bàn giao cho Công ty CP Quản lý đường sông số 3

Phao dạt sang Trung Quốc vẫn tìm được

Trời còn tờ mờ sáng, bến tàu Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, Quảng Ninh), nơi mũi đất ở cực Đông Bắc của đất nước đã nhộn nhịp kẻ mua, người bán hải sản từ các tàu thuyền đánh bắt ban đêm về cập bến và í ới tiếng gọi nhau lên tàu để ra đảo Vĩnh Thực. Xen lẫn các phương tiện neo đậu ở đây, tàu công tác của Công ty CP Quản lý đường sông số 3 cũng chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến hành trình đi kiểm tra, bảo trì phao, đèn hiệu trên luồng đường thủy Vạn Tâm - Bắc Luân.

Tuyến đường thủy dài 20km này được mở và đưa vào khai thác từ hơn một năm nay, theo Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại Khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân được Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ký kết năm 2015, cho phép phương tiện thủy hai nước được hoạt động tự do, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương bằng đường thủy qua cửa sông Bắc Luân. Hiện, trung bình mỗi ngày có hơn 20 phương tiện thủy chở hàng của hai nước lưu thông qua; luồng tuyến luôn được đảm bảo thông suốt 24/24h, trong các điều kiện thời tiết sương mù, sóng gió lớn.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trạm trưởng Trạm Quản lý đường sông Vĩnh Thực cho biết, tất cả đèn tín hiệu trên các phao dẫn luồng đều sử dụng năng lượng mặt trời, được gắn định vị vệ tinh để giám sát vị trí và theo dõi cường độ, chế độ ánh sáng từ xa qua máy tính. Chỉ cần phao dịch chuyển khỏi vị trí sẽ được kịp thời phát hiện, thay thế, bất cứ ban ngày hay đêm.

“Do là vùng cửa biển nên thường xuyên có sóng to, gió lớn nên mỗi khi trục phao để bảo trì cũng vất vả, phức tạp hơn so với luồng ven bờ, trong sông. Khi phao bị đứt xích, trôi dạt cũng mất nhiều công sức hơn để tìm, thu hồi”, ông Hùng nói.

Nhớ lại lần tìm phao bị trôi sang Trung Quốc, ông Hùng kể, đầu tháng 7/2019, do ảnh hưởng của bão, một quả phao dẫn luồng trên bị đứt xích, neo và trôi dạt từ ngày 7/7. Nhờ trên phao có đèn tín hiệu sử dụng năng lượng mặt trời và gắn kèm định vị vệ tinh GPS để giám sát trực tuyến qua internet nên đơn vị xác định được hành trình di chuyển của phao, với điểm cuối cùng là vùng biển phía Trung Quốc, phía Bắc khu vực tàu thuyền tự do đi lại cửa sông Bắc Luân (khu vực mốc 1378).

“Phao dẫn luồng là tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nên sau khi xác định được phao nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, công ty báo cáo Cục Đường thủy nội địa VN, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc và đề nghị Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, TP Móng Cái hỗ trợ, giải quyết để tiếp nhận lại phao báo hiệu đường thủy từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc.

“Ngày 31/7, tại khu vực gần cột mốc biên giới 1376 trên biển, đơn vị được tiếp nhận lại chiếc phao trên. Khi bàn giao phần vỏ phao, đèn báo hiệu còn nguyên vẹn; chỉ phần xích, rùa neo phao bị mất”, đại diện công ty kể.

Mong “chuẩn hóa” hệ thống báo hiệu

Công nhân Công ty CP Quản lý đường sông số 3 bảo trì cột báo hiệu đường thủy

Theo Công ty CP Quản lý đường sông số 3, tuyến đường thủy quốc gia qua địa bàn Quảng Ninh có phương tiện thủy hoạt động đa dạng, ở nhiều khu vực như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, bên cạnh các tàu vận tải chở hàng dọc tuyến (dăm, than, xi măng, xăng dầu, tàu container) còn có tàu khách cao tốc, đội tàu du lịch, tàu đánh bắt hải sản.

Hoạt động giao thông thủy nhộn nhịp, nhưng từ nhiều năm trước đây, do kinh phí của ngành khó khăn, nên nhiều đoạn tuyến chưa được bố trí phao tiêu, báo hiệu đầy đủ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, không thuận lợi cho phương tiện đi lại.

Có thể kể đến luồng từ đảo Ba Mom đến khu vực cảng biển Bến Đoan (Hạ Long), là luồng nối với cảng Cái Lân, các cảng bến ở Hòn Gai, đi Cẩm Phả, Móng Cái, có chiều dài gần chục kilomet nhưng chỉ có một cặp phao dẫn luồng. Trong vài năm gần đây, đoạn này xảy ra 4-5 vụ tai nạn, có trường hợp tàu du lịch và tàu chở hàng va chạm làm chìm tàu.

Cách đây khoảng hai năm, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc tổ chức khảo sát hạ tầng, luồng đường thủy quốc gia khu vực Quảng Ninh, nhận thấy một số đoạn có báo hiệu đường thủy thưa thớt, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, nguyên tắc khoảng cách “từ báo hiệu này nhìn thấy báo hiệu kia”. Trong đó có các luồng qua vịnh Hạ Long, luồng Bạch Luộm, Bái Tử Long...

“Phương tiện thủy khi lưu thông ban đêm phải dựa vào đèn tín hiệu trên phao dẫn luồng, cột báo hiệu. Hiện có những đoạn luồng có báo hiệu khá thưa, không đảm bảo theo tiêu quy chuẩn, điều này gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đường thủy, nhất là trong thời điểm có sương mù, thời tiết bất lợi cho người điều khiển phương tiện thủy. Việc bố trí báo hiệu đúng quy chuẩn sẽ tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, đảm bảo giao thông thông suốt”, đại diện công ty nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận