Thượng úy Trần Xuân Hỗ đang kể về trận đánh chìm tàu trọng tải 1.500 tấn của Mỹ |
Từ chiến công đầu tiên…
Trong không khí cả nước Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7), Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (Lữ đoàn 126) thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với các cựu chiến binh, nguyên là sỹ quan Lữ đoàn 126. May mắn khi chúng tôi được gặp và trò chuyện với những người lính hải quân năm xưa từng làm nên kỳ tích chấn động thế giới.
Gian phòng họp nhỏ của Lữ đoàn đặc công nước 126 vốn đã uy nghiêm với khí phách và kỷ luật thép của quân đội, hôm nay lại thêm phần hùng tráng bởi những câu chuyện lịch sử của những chiến sỹ quả cảm.
Ngược dòng lịch sử, trở về những năm 1965 - 1972 của thời điểm cam go, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cảng Cửa Việt ngày ấy được ví như cái “cuống họng” tiếp tế vũ khí trang bị của địch ở mặt trận đường 9 - Nam Lào. Để giữ Cửa Việt, địch bố phòng rất cẩn mật.
Ngày ấy, Hải đoàn 126 được giao nhiệm vụ tấn công làm tắc nghẽn tuyến giao thông huyết mạch này. Để mở đầu đợt đánh phá, trận đánh có tính chất cảm tử, đơn vị chọn hai chiến sỹ là Nông và Nhượng thực hiện nhiệm vụ này. Trong gian phòng của Lữ đoàn đặc công nước 126, Đại tá Hoàng Kim Nông trầm ngâm nhớ lại: Chúng tôi được lệnh cơ động đến cảng Cửa Việt vào đêm 20/02/1969. Không gian chìm trong bóng đêm, tiết trời giá rét, nước buốt như kim châm. Sau khi vượt qua ổ phục kích, chui qua ba lớp hàng rào, chúng tôi mới áp sát được bờ sông Thạch Hãn. Trên sông, địch liên tiếp quăng lựu đạn nhằm ngăn chặn chúng tôi tiếp cận tàu.
Sau khi quan sát bốn bề, chúng tôi phát hiện địch chỉ ném lựu đạn ở mạn tàu phía ngoài, còn mạn tàu bên trong cảng chúng gần như không để ý. Quan sát kỹ hoạt động của địch, chúng tôi chọn phương án lặn vòng tránh để tiếp cận mục tiêu. Nhưng khi bơi đến giữa sông, đồng chí Nhượng bị tàu tuần tiễu của địch bắn xối xả và bị thương ở chân, không bơi được nữa.
Trước tình huống bất ngờ, tôi quyết định buộc dây kéo anh Nhượng vào trụ cầu để anh trú ẩn, còn tôi mang thêm hai quả mìn của anh tiếp tục bơi đến mục tiêu. Sau khi thả ống tiếp cận được tàu, tôi nổi lên quan sát và thấy một dãy tàu địch đậu nối đuôi nhau. Tôi nghe rõ tiếng nện gót giày và tiếng nói chuyện của lính Mỹ trên tàu. Để tránh bị phát hiện, tôi từ từ lần đến hai chiếc tàu to nhất, cài vào mỗi tàu hai quả mìn hẹn giờ.
Khi bơi lại chỗ anh Nhượng, tôi mừng quá ôm chặt anh ấy rồi thì thầm: “Anh ơi! Ta thắng lợi rồi”. Tôi nhanh chóng buộc dây lại và kéo anh đi. Thế nhưng, khi ra khỏi khu vực cảng, tôi ngoái lại thì chẳng thấy anh Nhượng đâu. Tôi lo lắng, bơi ngược lại tìm anh trong bóng đêm đen kịt, sóng biển cồn cào từng cơn mạnh mẽ làm tôi đuối sức dần”.
May thay, trong lúc gian nguy đó thì Đại tá Nông lại tìm được người anh, người đồng chí sát cánh bao trận chiến khốc liệt. “Tôi cố gắng hết sức, bơi thật nhanh rồi ôm chầm lấy anh Nhượng. Lúc ấy, tôi và anh đều khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má rồi chảy xuống, hòa quện cùng dòng nước biển”. Khi tôi hỏi: “Sao anh lại tháo dây ra?, anh Nhượng nắm tay tôi giật giật rồi nói: “Về đi em, em về đi. Anh không về được nữa rồi! Tôi vừa thương, vừa giận anh. Tôi quát: “Không! Em đưa anh về, nếu chết thì cùng chết”.
Đêm sâu thăm thẳm như cố cản bước chân hai người lính quả cảm. Đại tá Nông quyết đưa đồng đội của mình vào bờ. “Tôi buộc dây vào người anh Nhượng thật chặt rồi vừa bơi vừa kéo, vừa quan sát, sợ anh lại tháo dây lần nữa. Khi đã vào đến bờ, chúng tôi dìu nhau về đến vị trí tập kết, trong lòng đầy vui sướng. Sáng sớm hôm sau, cấp trên thông báo, mũi đánh của tôi và Nhượng đã làm nổ tung hai tàu Mỹ”.
...Cho đến chấn động “địa cầu”
Nguyên Phó Đô đốc, Trung tướng Nguyễn Văn Tình (thứ hai từ bên trái) ôn lại kỷ niệm chiến trường cùng những đồng đội năm xưa |
Câu chuyện của Đại tá Hoàng Kim Nông như tiếp thêm lửa, khơi thông nguồn ký ức hào hùng ngày ấy ngược quá khứ, tràn về gian phòng. Thượng úy Trần Xuân Hỗ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe đôi phần giảm sút nhưng khi nói về cuộc chiến hạ gục chiếc tàu 1.500 tấn vẫn hào sảng, mạnh mẽ như thuở nào. Thượng úy Trần Xuân Hỗ kể: “Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc chúng tôi xuất phát từ Cửa Tùng vào ngày 6/9/1969. Đại đội 1 lúc đó chỉ có 3 người, tôi và anh Bùi Văn Hy, anh Trần Quang Khải. Khi đồng hồ điểm đúng 19 giờ, chúng tôi bắt đầu bơi ra biển tiếp cận tàu địch. Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm... Riêng tôi được nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg của Liên Xô sản xuất. Đây là loại vũ khí rất lợi hại của đặc công nước, có ghép 48 mảnh nam châm hình móng ngựa, có sức hút 100kg. Khi mìn đã áp vào sườn tàu, rút chốt an toàn, đúng giờ sẽ nổ, nếu chưa đến giờ nổ mà bị tháo gỡ, mìn cũng tự phát nổ, bởi nó có ngòi chống tháo.
Để đảm bảo không bị địch phát hiện, tôi và anh Khải bơi nhằm thẳng hướng có ánh sáng ngoài khơi, nơi con tàu khổng lồ mang tên USS Noxubee đang thả neo, còn anh Hy làm nhiệm vụ trinh sát, ẩn mình trong một chiếc thuyền của ngư dân để cảnh giới, theo dõi.
Sau gần 5 giờ vật lộn với sóng gió, chúng tôi cũng tiếp cận được vị trí tàu đang neo đậu. Lúc đó, mặt biển xung quanh tàu USS Noxubee sáng như ban ngày bởi ánh sáng đèn pha từ trên rọi xuống nên chúng tôi không thể tiến sát vào tàu một cách nhanh chóng. Giữa làn nước lạnh trong đêm, tôi và anh Khải quyết định hít một hơi thật dài rồi lặn sâu xuống để mò dây neo. Khi đã bắt được dây neo, chúng tôi men cho đến tận chân vịt của tàu rồi bơi đến giữa thành tàu.
Lúc đó, xung quanh thành tàu hà bám chi chít gây khó khăn cho việc gắn mìn. Thế là tôi rút dao găm bên mình, nhẹ nhàng cạo hết lớp vỏ hà bám bên sườn tàu rồi mới gắn mìn vào. Sau khi rút chốt an toàn, cắt dây phao mìn, tôi và anh Khải ngậm ngay ống thở rồi lặn sâu xuống rút lui.
Vừa cách tàu khoảng một mét, cái phao bật lên mặt nước, lính Mỹ trên tàu hốt hoảng kêu la ầm ĩ: “Vixi! Vixi!” (mãi sau này tôi mới biết nghĩa của từ “Vixi” tức là Cộng sản). Còi báo động trên tàu rú vang. Lính Mỹ tập trung ném lựu đạn và bắn xuống nước, cho 3 máy bay trực thăng bay ngang dọc, quét đèn pha sáng rực cả một vùng quyết tìm diệt chúng tôi bằng được”.
Khoảng một tiếng sau, từ chiếc tàu vận tải 1.500 tấn phát ra hai ánh chớp xanh lè kèm theo hai tiếng nổ lớn rung chuyển cả mặt biển. Cột lửa bùng lên từ con tàu chở dầu USS Noxubee sáng cả một vùng. Sức ép làm hai người nghẹt thở, choáng váng rồi chìm nghỉm xuống nước, dây đồng đội bị đứt, hai người (Khải và Hỗ) mỗi người văng một nơi, mất liên lạc, cứ như vậy để nước cuốn trôi đi...
Suốt một ngày lạc nhau, đói, khát, ẩn giấu mình dưới sự lùng sục, truy quét của địch, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Đến tối, cả 3 chiến sỹ đã gặp nhau ở điểm quy định bên bờ Bắc Cửa Việt. Chiến sỹ Khải bị thương vào đùi còn Hỗ bị sức ép, ù tai. “Khi tôi đang ẩn náu trong bụi cây gần bãi biển thì thấy hai bóng người mò mẫm tiến lại gần. Tôi nghĩ đó là địch đang truy tìm nên không ra mặt. Một lát sau thì hai người nói gì đó rồi ra ám hiệu về phía tôi ẩn nấp, nhưng tôi chỉ nghe thấy âm thanh ù ù..., lúc đó tôi mới biết mình đã bị rách màng nhĩ do tiếng bom. Tôi phải trườn lại gần mới nhận ra anh Khải và anh Hy. Chúng tôi ôm lấy nhau vừa khóc, vừa mừng vì nhiệm vụ đã hoàn thành mà không thiếu đi đồng đội nào”, ông Hỗ nhớ lại.
Sự kiện tàu vận tải dầu 1.500 tấn của Mỹ bị đánh đắm này được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng tít “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”… Có tờ báo còn đặt câu hỏi: Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà ra-đa trên tàu quét 24/24 giờ và thiết bị theo dõi của tàu có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi dưới biển? Còn lực lượng người nhái của Ngụy quyền Sài Gòn thì bị nghi ngờ là phản bội quân Mỹ. Sau này, viên trung úy Hồ Biền - chỉ huy trưởng của đơn vị người nhái chia sẻ với truyền thông rằng: “Hôm đó tôi dẫn lính ra để thực thi nhiệm vụ. Nhưng ai cũng sợ xanh mặt... Lúc chúng tôi trở về, Đô đốc Lâm Ngươm Tánh quát rằng: “Gió bão như vậy, đặc công thủy Việt cộng không thể lặn ra biển được. Nhất định bọn người nhái chúng mày đã làm phản. Thế là tôi bị phạt tù một năm”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.