Cùng Báo điện tử giáo dục Việt Nam điểm lại những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt.
Tống cựu nghênh xuân
Để tiễn năm cũ, chào đón năm mới, các gia đình đều quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm quét dọn nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi vật dụng. Các chân đèn, lư hương trên bàn thờ đều được chùi cho thật bóng.
Không chỉ trang hoàng làm đẹp nhà cửa mà con người cũng được làm đẹp. Ngày tết ai cũng ăn mặc quần áo mới, đẹp để tiếp khách hay đi ra đường.
Kiêng to tiếng
Theo phong tục ngày Tết Nguyên đán, vào giờ phút giao thừa, hạn chế gia đình cãi nhau, trẻ con không quấy khóc,nghịch ngợm, không nói tục chửi bậy, không vứt rác hay viết vẽ bừa bãi.
Cha mẹ, anh chị cũng không trách mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng phải vui vẻ, niềm nở dù là người quen hay lạ và chúc nhau những điều tốt lành.
Lễ chùa, đình, đền
Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Nhân dịp này người ta thường xin quẻ đầu năm.
Hướng xuất hành
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Chính vì vậy mọi người thường kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm.
Ngày nay nhiều người không còn tin theo tục lệ này. Hơn nữa, cửa nhà và đường sá ngày nay được xây dựng theo phương hướng cố định, chúng ta khó mà chọn được hướng đi như trong sách lịch nói.
Hái lộc
Sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự "rước lộc".
Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.
Hương lộc
Nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây lại xin lộc ở các đền chùa miếu bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ công ở nhà.
Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nắm hương bốc cháy. Người ta tin rằng đó là điềm báo tốt. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.
Xông đất đầu năm
Xông đất là người đầu tiên bước chân vào nhà của người nào đó. Người ta tin rằng tuổi tác của người khách đầu tiên có ảnh hưởng đến tương lai của gia chủ.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều người cũng không tin theo tục lệ này.
Lì xì
"Lì xì" nguyên là chữ "lợi thị" (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Ông bà cha mẹ sẽ chuẩn bị một ít tiền cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng trông rất bắt mắt để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và dành những lời chúc hay nhất đến bọn trẻ như hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.