Các em học sinh tại Thanh Oai (Hà Nội ) học về 6 bước rửa tay đúng cách qua điệu nhảy rửa tay, |
Tại Việt Nam, nước mặt khu đô thị (kênh, rạch, sông), nước mặt khu nông thôn (ao, hồ, sông), nước ngầm và nước biển đều phải đối mặt với những tác động xấu từ con người. Nguyên nhân đầu tiên là khai thác và sử dụng quá mức, chưa biết tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Những bài học về nước sạch được dự án “Mizuiku – Em yêu nước sạch” giảng dạy đến các em học sinh lớp 3 và 4 là những phương pháp đơn giản để mỗi bạn nhỏ đều có thể áp dụng ngay từ trong gia đình mình.
Kiểm tra hệ thống nước trong nhà
Cách này tương đối đơn giản, có thể triển khai ngay với tất cả thành viên trong gia đình. Mục đích là hạn chế tình trạng rò rỉ, lãng phí nước. Bố mẹ có thể dạy trẻ thực hiện hoạt động đơn giản này bằng cách tổ chức một trò chơi nhỏ.
Cụ thể, mỗi gia đình có thể dán bảng theo dõi hệ thống nước trong nhà. Mọi thành viên tham gia thực hiện bảng cáo cáo bằng cách quan sát các thiết bị đã “đạt chuẩn” hay chưa rồi đánh dấu vào bảng. Nếu bé chưa biết đọc, có thể sử dụng hình vẽ mặt cười, mặt buồn, mặt giận dữ để dễ thực hiện. Muốn trẻ hứng thú hơn, phụ huynh có thể chọn ra phần thưởng dành cho “nhân viên xuất sắc” vào mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng.
Rửa tay đúng cách để tiết kiệm nước
Rửa tay tưởng chừng là hành động chỉ gây thất thoát một lượng nước nhỏ, nhưng khi trẻ rửa tay không đúng cách, thời gian quá lâu dưới vòi nước chảy khiến lượng nước tiêu hao lớn, không sử dụng hết và rơi vãi ra ngoài.Bài học về 6 bước rửa tay đúng cách cùng điệu nhảy rửa tay vui nhộn trở thành một học phần thú vị trong những giờ giảng dạy về bảo vệ nước sạch cho hơn 2500 học sinh tại Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh vào tháng 5 vừa qua.
Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 – 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều
Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ ngón tay (từng bên)
Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay
Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngon tay
Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại
Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Các em học sinh tại trường tiểu học Vĩnh An 2, tỉnh Bến Tre được thực hành về phương pháp rửa tay đúng cách để tiết kiệm nước ngay sau tiết học. |
Thời gian vệ sinh tay tối thiểu cho cả quy trình là 30 giây, vừa đủ để các em có thể rửa tay thật sạch, vừa không mất quá nhiều thời gian và gây lãng phí nước.
Tận dụng nước cho nhiều mục đích
Nhiều người có thói quen chỉ sử dụng nước một lần cho một mục đích. Đôi khi điều này dẫn đến lãng phí không cần thiết. Trong thời điểm nắng nóng gay gắt, thường xảy ra tình trạng cúp nước thì thói quen này càng phải thay đổi gấp.
Cụ thể, mỗi khi rửa bát, rửa rau, bạn nên hứng sẵn một chậu nước sạch thay vì rửa trực tiếp dưới vòi. Bằng cách này, nước dùng để tráng bát đĩa có thể đem đi tưới cây, tưới đất để giảm lượng bụi, giảm nhiệt trước sân/ban công nhà. Nước rửa lần cuối (tương đối sạch) hoàn toàn có thể tái sử dụng để cọ rửa đồ đạc hoặc lau nhà.
Cách tiết kiệm nước này có thể áp dụng cho người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ là phụ huynh cần chủ động tận dụng nước cho nhiều mục đích. Như vậy trẻ mới có thể xem đó là điều đúng đắn, nên làm và vui vẻ thực hiện.
Không xả rác bừa bãi
Rác thải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm. Một số người cho rằng việc vứt rác xung quanh nhà không ảnh hưởng đến nguồn nước. Tuy nhiên vào mùa khô, rác thải sẽ ứ đọng ở nắp cống; nếu không xử lý kịp thời dễ sinh ra vi khuẩn, nhiễm bẩn môi trường sống. Đến mùa mưa, rác thải, chất thải nguy hại bịt kín nắp cống, dẫn đến ngập nước. Thường xuyên tiếp xúc, di chuyển trong điều kiện này sẽ sinh ra bệnh ngoài da.
Tiếp đó, rác thải trôi xuống sông, biển, ảnh hưởng đến những loại sinh vật sống trong môi trường nước. Nước sông ô nhiễm dẫn đến thiếu hụt nước sinh hoạt cho người dân. Các hồ trữ nước hoặc nhiễm bẩn, hoặc khô hạn gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Do đó khi ở nhà, phụ huynh cần dạy trẻ biết vứt rác đúng nơi quy định, thu gom và phân chia rác thành rác hữu cơ và rác vô cơ để góp phần bảo vệ môi trường. Khi đến trường, thầy cô có thể yêu cầu các bé lập nhóm dọn dẹp vệ sinh lớp học, sân chơi. Điều này không chỉ giúp giữ vệ sinh không gian chung mà còn thắt chặt tình bạn bè. Kết hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình giúp trẻ nhận biết đây là điều đúng đắn, nên làm.
Kết hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh môi trường. |
Chia sẻ kiến thức cho bạn bè
Khi trẻ đã ghi nhớ và tiếp tục những cách bảo vệ nước, đừng quên khuyên trẻ nói lại kiến thức đã học được cho người thân, bạn bè và cộng đồng. Sẽ không có nhiều ý nghĩa thiết thực nếu một người bảo vệ thì có một người phá hoại. Hãy cho trẻ hiểu giá trị và sức mạnh của cộng đồng có thể tăng tính hiệu quả của hoạt động này đến mức nào.
Trẻ em trường tiểu học Tân Thiềng B tìm hiểu về nước và vòng tuần hoàn của nước. |
Những phương pháp trên được giới thiệu trong giáo trình dạy học “Mizuiku - Em yêu nước sạch” do Tập đoàn Suntory Holdings Limited (Nhật Bản), Suntory PepsiCo Việt Nam kết hợp với Hội đồng Đội Trung ương Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.
Mục đích là nuôi dưỡng nhận thức căn bản và hành vi thường thức mỗi ngày của trẻ em về tầm quan trọng của nước, vòng tuần hoàn nước, có ý thức bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên nước. Đây là giải pháp bền vững để thế hệ tiếp theo hành động vì môi trường.
Từ ngày 13/5 đến 23/5, ban tổ chức đã mở ra hơn 60 lớp cho 2 học phần: “Nước bị làm sao thế?” và “Chúng ta có thể làm gì?” cho hơn 900 học sinh tại các trường thuộc tỉnh Bến Tre: Thạnh Hải, Mỹ An, Tân Thiềng B, Vĩnh An, An Hòa Tây 2 dưới sự giảng dạy của đội ngũ giáo viên bao gồm các thầy côtổng phụ trách đội và giáo viên lớp 3-4 . Những bài học gần gũi được truyền tải bằng phương pháp giáo dục thực hành, vừa học vừa chơi. Những cách học trực quan, sinh động như thảo luận nhóm, hỏi đáp, trò chơi, phân tích tình huống… được vận dụng khéo léo để truyền tải nội dung bài giảng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.