Những quan tâm của cha mẹ trước thềm năm học

03/09/2017 09:41

Đầu năm học mới luôn là thời điểm “nóng” của các bậc phụ huynh bởi những lo lắng bởi hàng loạt các khoản chi tiêu đóng góp cho con.

1_RPVX

Nỗi lo đầu năm học

Đến hẹn lại lo đó là câu cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh đầu năm học mới khi nhẩm tính về các khoản phải mua sắm, chi tiêu đầu năm học mới. Với nhiều gia đình có thu nhập trung bình, hoặc hai con đang cùng độ tuổi đi học… thì đây thực sự là những khoản chi không dễ chịu.

Mặc dù sau khi khai giảng và tới kỳ họp phụ huynh đầu năm học mới cho hai con ở trường nhưng chị Thu Hòa (Gia Lâm - Hà Nội) đã nhẩm tính ra những khoản phải đóng góp sẽ lên tới tiền triệu.

Ngoài mua sắm đồng phục, đồ dùng học tập…là những khoản bắt buộc đã phải chi thì chắc chắn sẽ phải nộp các mục như: Tiền học bán trú, tiền xây dựng trường, tiền quỹ lớp, bảo hiểm…

Đặc biệt năm nay con chị vào lớp 1, chắc chắn sẽ có khoản ủng hộ lắp điều hòa cho lớp vì từ trong hè đã thấy nhà trường, ban phụ huynh rậm rịch thông báo xin ý kiến phụ huynh.

Trang bị thêm những cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết để các con được học tập tốt trong một lớp học tiện nghi hơn thì chắc chắn chẳng cha mẹ nào nỡ từ chối dù bài toán kinh tế vẫn là gánh nặng.

Các khoản đóng góp đầu năm sẽ không trở thành bài toán quá khó giải nếu chỉ nằm trong danh mục các khoản thu chi đúng quy định. Tuy nhiên, phụ huynh nào cũng ngầm hiểu sẽ có các khoản đóng góp lớn và mang tên quỹ lớp được ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi và thu theo hình thức tự nguyện.

Chẳng thế mà năm nào cứ họp phụ huynh đầu năm học lại nóng chuyện quỹ lớp. Để chi phí cho các hoạt động bên lề từ liên hoan Noel, tặng quà sinh nhật, chúc mừng nhà trường và cô chủ nhiệm 20/11… mỗi kỳ thì phụ huynh phải tự nguyện rút hầu bao ít nhất cũng không dưới 500.000 nghìn.

Tổng cộng hai kỳ lên tới 1.000.000 đồng. “Tính tối thiểu mỗi học kỳ lớp ít nhất là 30 cháu cũng có 15 triệu để tiêu ngoài, lớp trên 50 học sinh cũng có gần 30 triệu đồng tiền quỹ. Thế mà nhiều cha mẹ có con đã đi học cho biết, có năm ban phụ huynh vẫn kêu gọi ủng hộ đóng góp thêm cho quỹ lớp để các hoạt động của lớp phong phú đầy đủ. Và thậm chí, nhiều Ban phụ huynh vẫn kêu không đủ phí hoạt động, phải ứng trước tiền.

Với các phụ huynh có con theo học trường tư dẫu các khoản đóng góp không lặt vặt như trường công nhưng sự đầu tư ban đầu cũng không hề nhẹ nhàng nhàng. Các khoản thu của trường rất rõ ràng và minh bạch, các bậc phụ huynh đã chấp nhận cho con theo học thì cứ như thông báo mà đóng.

Chị Hương có con vào lớp 1 của một trường tư khá nổi cho biết: Vừa vào năm học mới trường đã thông báo đóng tiền học 1 tháng mấy triệu, rồi tiền xây dựng trường 1,5 triệu. Đặc biệt khoản tiền đồng phục được liệt kê từ váy vóc mùa hè, mùa đông, áo khoác đông, tới dày dép nếu mua tiết kiệm cũng mất tới hơn 2 - 3 triệu đồng.

Theo lý giải của trường, sở dĩ giá cả cao hơn bởi đồng phục được may và thiết kế riêng, chất lượng vải tốt… Như vậy, cộng hết các khoản đóng góp, chi tiêu đầu năm học của một học sinh trường tư thục như con chị Hương thì số tiền cũng lên tới gần chục triệu đồng với một số khoản thu có giá cả khá trên trời mà vẫn phải bấm bụng chấp nhận.

Anh Minh Quang – con vào lớp 7 một trường tư cho biết, nộp một cục 3 tháng tiền học phí, xe đưa đón, tiền bán trú, ăn trưa… và các khoản đầu năm học khác số tiền cũng lên tới gần 40 triệu.

Gánh nặng thu chi

Có thể nói, đến nay nhiều Sở GD&ĐT khắp các tỉnh thành trong cả nước đã siết chặt và kiểm tra gắt gao các khoản đóng góp chi tiêu đầu năm học tại trường học. Điều này đã nhận được sự tán đồng của đông đảo phụ huynh cũng như hạn chế đáng kể việc thu chi sai quy định của nhiều trường học đầu năm học mới.

Tuy vậy cũng có thực trạng, sau khi các khoản thu đầu năm bị siết chặt thì mọi khoản thu của nhiều trường được chuyển sang ban đại diện cha mẹ học sinh thu dưới hình thức kêu gọi tự nguyện. Vì thế, ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp lại kiêm thêm cả việc lấy ý kiến, vận động phụ huynh đóng tiền theo hình thức tự nguyện cho một số hoạt động của trường, lớp.

Sau các cuộc họp phụ huynh đầu năm học, khá nhiều phụ huỵnh phàn nàn về các khoản đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện mà ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đứng ra thu.

Với hàng loạt sự kiện và lý do chính đáng kiểu như: Ủng hộ nhà trường sửa chữa khu vệ sinh, các con được hưởng thụ trực tiếp vì vậy lớp nên tham gia với mức 5 - 7 triệu như các lớp khác. Hoặc trường mới lắp đặt điều hòa, làm sàn gỗ, mua máy chiếu, sắm tủ giáo cụ…cho các lớp. Vì vậy phụ huynh cũng nên đóng góp tự nguyện chia sẻ với nhà trường…

Điều đáng nói, với kiểu hô hào đóng góp tự nguyện hiện nay theo kiểu khá ép buộc. Đại diện ban phụ huynh các lớp thông báo qua tình hình và kêu gọi đóng góp. Ban phụ huynh bao giờ cũng là những mạnh thường quân ủng kêu gọi, ủng hộ nhiệt tình để các phụ huynh khác làm theo.

Thậm chí, có các nhân nằm trong ban phụ huynh có điều kiện đóng góp gấp nhiều lần phụ huynh khác như để phát động tự nguyện. Nhiều phụ huyn dẫu không nhất trí với kiểu đóng góp tự nguyện mà như ép buộc song không dễ để phản đối.

Tâm lý đi ngược lại sẽ làm ảnh hưởng tới con cái nên cũng buộc nhiều phụ huynh khác bấm bụng nộp theo kiểu tự nguyện ép buộc cho xong việc.

Trên diễn đàn cha mẹ, khi nói về cuộc họp phụ huynh đầu năm đã có ý kiến thẳng thắn chỉ ra: Họp hành mà ban đại diện ban phụ huynh thay nhau phát biểu, ra sức kêu gọi ủng hộ mọi chủ trương, đóng góp hỗ trợ cho nhà trường...

Ban phụ huynh gần như không đứng dưới góc độ của đa số phụ huynh khác để lắng nghe, thấu hiểu thì không thể đảm bảo được quyền lợi của học sinh. Việc mượn tay của ban phụ huynh để giải quyết vấn đề thu chi trong một số trường đã và đang trở thành vấn nạn.

Mặc dù trước sức ép của dư luận thì việc kiểm tra, xử lý của các đơn vị chức năng vào dịp đầu năm học mới đối với các trường học (đặc biệt các trường ở thành phố) luôn kiên quyết liệt, nghiêm khắc để để các khoản đóng góp đầu năm học, không trở thành gánh nặng của các gia đình và có những bức xúc từ phía phụ huynh khi có con đang tuổi đến trường.

Song thu chi đầu năm học ở nhiều trường học vẫn đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó khi bị siết chặt thu chi, vẫn có những nhà trường đã “lách luật” thu chi bằng cách thông qua Ban đại diện phụ huynh học sinh ở các lớp.

Những phụ huynh được chỉ định làm đại diện Ban phụ huynh luôn được “chọn mặt gửi vàng” là những “mạnh thường quân”, là chỗ thân quen của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm. Họ đã trở thành cánh tay dài của nhà trường để lách luật chi tiêu với các khoản quỹ lớp.

Hơn lúc nào hết, gánh nặng kinh tế cho phụ huynh có con trong tuổi tới trường vẫn cần được các Sở ban ngành chức năng quan tâm, có biện pháp xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm và các trường hợp mượn tay Ban phụ huynh để thu. Có như vậy mới chấm dứt và mang lại sự tin tưởng của phụ huynh học sinh đối với nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục nói riêng.

Ý kiến của bạn

Bình luận