Những thiệt hại cho năm 2019 vì chiến tranh thương mại kéo dài

Doanh nghiệp 01/01/2019 16:51

2018 là năm các cuộc chiến thương mại nổ ra và 2019 sẽ là năm kinh tế toàn cầu chịu trận từ việc này.


 

my-trung-1-2083-1545808157
Container tại cảng biển ở Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau năm nay, và đang trong thời kỳ 90 ngày đình chiến để đàm phán một thỏa thuận thương mại. Kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chịu tác động từ năm 2018 và sẽ còn gánh nhiều hậu quả trong năm tới.

Hoạt động đổ xô xuất khẩu để né thuế của các công ty Mỹ và Trung Quốc đang dần chậm lại. Con số này được dự báo còn giảm trong khi chờ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tìm cách giải quyết căng thẳng thương mại. Các doanh nghiệp thì đều cho rằng việc gián đoạn sẽ còn kéo dài.

Một số công ty đã phải chịu tổn thất. GoPro sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất camera để xuất khẩu sang Mỹ ra khỏi Trung Quốc trước hè năm sau. Họ là một trong các hãng điện tử đầu tiên có động thái này. Đại gia vận chuyển FedEx gần đây hạ dự báo lợi nhuận và giảm dần hoạt động chuyển hàng bằng đường hàng không ra nước ngoài.

"Bất kỳ sự can thiệp nào vào thương mại cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế", Hamid Moghadam - CEO Prologis (Mỹ) nhận định, "Kinh tế toàn cầu có lẽ sẽ chậm lại vì việc này".

Các thị trường tài chính cũng đã rơi vào vòng xoáy này. Bank of America Merrill Lynch ước tính tin tức về chiến tranh thương mại khiến S&P 500 mất 6% năm nay. Chứng khoán Trung Quốc cũng đã mất 2.000 tỷ USD vốn hóa và đang chìm trong thị trường giá xuống.

Các số liệu gần đây càng khiến người ta lo ngại thương mại sẽ kéo tụt tăng trưởng của Mỹ năm tới. Người tiêu dùng Mỹ đang kém lạc quan nhất về tương lai nền kinh tế trong một năm qua. Trong khi đó, sự lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ về khả năng cải thiện kinh tế đã xuống đáy 2,5 năm. Năm tới, họ dự báo lợi nhuận sẽ thấp hơn.

Tom Orlik - nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics cho rằng chiến tranh thương mại hiện có 3 mối đe dọa với kinh tế toàn cầu. Đầu tiên là cuộc đàm phán trong 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc có thể thất bại, khiến hai nước tiếp tục tăng thuế nhập khẩu áp lên nhau. Thứ hai là kể cả không tăng thuế, số đơn hàng "chạy thuế" năm 2018 cũng sẽ khiến hoạt động xuất khẩu năm 2019 chậm lại. Cuối cùng là nếu bỏ qua chiến tranh thương mại, các dấu hiệu cảnh báo từ PMI và lợi nhuận của FedEx cũng cho thấy nhu cầu đang đi xuống.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chỉ còn 4% năm sau, giảm so với 5,2% năm ngoái và 4,2% năm nay. Cơ quan này cảnh báo rào cản thương mại sẽ còn tăng.

Châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Dù quy mô mảng sản xuất máy móc cốt lõi của Đức vẫn đạt kỷ lục 228 tỷ euro năm nay, căng thẳng thương mại cũng là một trong các lý do tăng trưởng mảng này sẽ chậm lại. Sản xuất được dự báo chỉ tăng 2% năm tới, chưa bằng một nửa năm nay.

Rủi ro Mỹ áp thuế nhập khẩu với ôtô từ châu Âu và Nhật Bản cũng còn hiện hữu. Động thái này sẽ làm tổn hại quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc bắt Giám đốc tài chính Huawei Technologies - Mạnh Vãn Chu cho thấy rủi ro từ các sự kiện bất chợt có thể nhanh chóng làm bùng lên căng thẳng vốn đang âm ỉ.

Cesar Rojas - nhà kinh tế học tại Citigroup cho rằng "sự chia rẽ về thương mại" từ năm 2018 và "thuế nhập khẩu treo lơ lửng" năm 2019 sẽ khiến bất ổn luôn ở mức cao và tác động lên thương mại, đầu tư. Câu hỏi hiện tại là liệu Washington và Bắc Kinh có thể đạt thỏa thuận muộn nhất là ngày 1/3 hay không. Nếu thành công, đám mây phủ bóng lên kinh tế thế giới sẽ biến mất. Nhưng hiện tại, rủi ro này vẫn đang kìm hãm các kế hoạch mở rộng của doanh nghiệp.

Dippin’ Dots là một trong các công ty mắc kẹt trong tình hình này. Hãng sản xuất kem và các sản phẩm đông lạnh của Mỹ này đã mất 3 năm tấn công vào thị trường Trung Quốc và mở các cửa hàng đầu tiên ở đây năm nay. Nhưng rồi đột ngột, họ phải trả thuế vài chục phần trăm để nhập khẩu các sản phẩm từ sữa. CEO Scott Fischer cho biết nếu các cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc thất bại và thuế nhập khẩu lại tăng lên, ông sẽ phải nghĩ lại chiến lược.

"Từ quan điểm của một doanh nhân. Câu hỏi của chúng tôi là việc này sẽ kéo dài bao lâu", Fischer cho biết, "Rất khó để lên kế hoạch kinh doanh trong tình cảnh này".

Ý kiến của bạn

Bình luận