Khí thải từ động cơ diesel là một nguyên nhân khiến nhiều người tử vong sớm. Ảnh: RTE |
Theo tin tức trên tờ FMT News, một nghiên cứu khoa học mới đây chỉ ra rằng có khoảng 385.000 người trên toàn thế giới đã tử vong sớm hơn vào năm 2015 do ô nhiễm không khí (cụ thể là ô nhiễm khí thải xe cộ). Trong đó, thủ phạm chính có liên quan tới những ca tử vong là chất độc trong khí thải từ động cơ diesel.
Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) - tổ chức phi chính phủ từng có những tiết lộ về vụ bê bối "động cơ diesel" Volkswagen năm 2015 và sự trợ giúp từ hai trường đại học Mỹ.
Joshua Miller, một thành viên của ICCT cho biết, sức ép từ tác động tiêu cực ngày càng lớn của động cơ diesel tại châu Âu đang ngày càng làm rõ vai trò cần thiết của việc tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải mang tầm thế giới.
Liên quan tới vấn đề trên, tờ RTE News cho rằng, sau khi tiến hành nghiên cứu trên phạm vi rộng, các nhà khoa học đã xem xét lượng khí thải từ xe hơi diesel và phi diesel, xe tải, xe buýt, ngành vận tải cũng như máy móc nông nghiệp và xây dựng tác động của chúng đối với sức khỏe của con người.
Họ phát hiện ra rằng ngành vận tải toàn cầu chịu trách nhiệm cho 11% trong số 3,4 triệu ca tử vong sớm hàng năm do ô nhiễm từ các hạt mịn (PM2,5) và phơi nhiễm ôzôn trên mặt đất. Khi phơi nhiễm với các chất này dẫn đến nguy cơ mắc ung thư phổi, đau tim hoặc tiểu đường cao hơn. Nghiên cứu bao gồm cả ô tô cá nhân, giao thông công cộng, máy móc nông nghiệp và công nghiệp, cũng như vận tải đường sông.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của ICCT, tại các nước như Pháp, Đức, Ý và Ấn Độ, dầu diesel gây ra 66% trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm giao thông. Tính chi tiết, riêng tại Trung Quốc, gần 114.000 người chết sớm vào năm 2015 do khí thải giao thông và 74.000 người chết ở Ấn Độ cũng vì lý do tương tự.
ICCT cũng ước tính chi tiết con số này là 13.000 đối với Đức, 6.400 đối với Pháp và 22.000 đối với Hoa Kỳ, tức là 31%, 32% và 19% mức tử vong do ô nhiễm không khí.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, các chất gây ô nhiễm từ giao thông đã chiếm gần 1 nghìn tỷ đô la chi phí bổ sung trên toàn thế giới trong năm 2015. Khi so sánh với dân số, Đức đứng ở vị trí đầu tiên, với gần 17 trường hợp tử vong sớm (trên 100.000 dân) do khí thải giao thông, cao hơn ba lần so với mức trung bình của thế giới.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý, Milan, Torino, Stuttgart, Kiev, Cologne, Berlin và London là những thành phố nơi giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho số ca tử vong sớm cao nhất trên 100.000 dân.
Đồng thời, họ cảnh báo rằng nghiên cứu của họ không bao gồm tất cả các loại khí thải ô nhiễm hoặc các bệnh có khả năng liên quan đến ô nhiễm. Điều này có nghĩa là còn nhiều nguyên nhân, nhiều loại khí thải khác có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con người chưa được thống kê đầy đủ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.