​Nhượng quyền kinh doanh 4 đường cao tốc

Sẽ nhượng quyền kinh doanh 4 đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hồi vốn cho ngân sách để đầu tư XD các cầu đường mới.

Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đề án chương trình và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành giao thông vận tải đến năm 2020.

duong-cao-toc-tphcm
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một trong những dự án hạ tầng quan trọng được đầu tư theo hình thức BOT

Trong đó, bộ đã đưa ra danh mục 4 đường cao tốc sẽ nhượng quyền kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình cầu đường mới.

Gồm hai đường cao tốc đã đưa vào sử dụng là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP HCM, Đồng Nai) dài 55 km, Nội Bài-Lào Cai (Hà Nôi, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai) dài 245 km, và hai đường cao tốc đang xây dựng là Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam) dài 139,5 km và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP HCM, Long An, Đồng Nai) dài 57,8 km.

Theo ông Mai Tuấn Anh - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) -đơn vị quản lý 4 tuyến đường cao tốc trên, hiện có nhiều tập đoàn ở các nước Châu Âu đang quan tâm tìm hiểu mua lại quyền kinh doanh các đường cao tốc tại VN.

Đây là các dự án có vốn đầu tư lớn nên VEC đang làm các thủ tục về pháp lý như phương án tài chính, hợp đồng về quyền lợi và trách nhiệm của nhà khai thác…để trình các cơ quan thẩm quyền. 

VEC dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành các thủ tục trên để đưa ra đấu thầu nhượng quyền kinh doanh đường cao tốc công khai và minh bạch.

Liệu việc nhượng quyền kinh doanh đường cao tốc cho nước ngoài sẽ đẩy mức phí đường cao tốc tăng cao?

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Tuấn Anh cho biết mức phí đường cao tốc do nhà nước qui định khi nhượng quyền kinh doanh đường cao tốc, thế nhưng trong phương án tài chính cũng sẽ tính đến điều chỉnh theo mức lạm phát để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.

Được biết tổng mức đầu tư cho 4 đường cao tốc trên khoảng gần 5,8 tỷ USD, trong đó gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới.

Ý kiến của bạn

Bình luận