Ninh Bình “khát” vốn bảo trì đường bộ

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 29/03/2018 09:09

Mặc dù phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Bảo trì Đường bộ (BTĐB) nhưng hiện nay nhiều tuyến đường ở tỉnh Ninh Bình xuống cấp vẫn phải đợi vốn bảo trì.

 

ranh thoat nuoc ninh binh
Xây dựng rãnh thoát nước QL1

“Khát” vốn

Theo ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB Ninh Bình, những năm vừa qua với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, lượng xe vận hành trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là các xe tải nặng (xe siêu trường, siêu trọng, xe container...) tăng đột biến khiến nhiều tuyến đường bị hư hỏng. Mặt khác, sự phát triển nhanh của các ngành trong nền kinh tế còn làm nảy sinh mâu thuẫn giữa nhu cầu vận chuyển và năng lực thông qua của các công trình, thậm chí vượt quá khả năng thiết kế của công trình, dẫn tới việc các công trình nhanh bị xuống cấp.

Tuy nhiên, với việc bố trí kinh phí dành cho bảo dưỡng thường xuyên rất hạn hẹp nên công tác bảo dưỡng thường xuyên gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp công trình. Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên trong giai đoạn vừa qua công tác này mới chỉ lựa chọn các vị trí hư hỏng nặng để ưu tiên sửa chữa (mang tính chất cục bộ, không xử lý triệt để).

“Đó là chưa kể các hiện tượng thiên tai, bão lụt hàng năm làm hư hại nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn bảo trì do Quỹ BTĐB Trung ương và ngân sách nhà nước cấp vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn cần thiết để duy tu bảo dưỡng các tuyến đường bị xuống cấp, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó nhiều tuyến đường đã xuống cấp nhưng vẫn phải đợi nguồn vốn”, ông Thành cho biết.

Ngoài ra, do nguồn kinh phí hạn chế, nhiều địa phương trong tỉnh không thực hiện hết các công việc của công tác bảo dưỡng thường xuyên, như: Phát quang cây cỏ, khơi thông rãnh dọc, ngang, đắp, bạt lề, sơn cột tiêu, cột kilomet, bổ sung thay thế biển báo… mà dồn kinh phí để sửa chữa một phần mặt đường đảm bảo giao thông, thậm chí còn dồn kinh phí chỉ để sửa chữa những tuyến đường hư hỏng có nguy cơ tắc đường; sử dụng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên được cấp để thực hiện các hạng mục sửa chữa định kỳ, khắc phục hậu quả bão lũ và để trả nợ khối lượng năm trước.

Trước thực trạng đó, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình đã tranh thủ và thực hiện các giải pháp để có thể giữ vững được cấp đường, nâng cao tuổi thọ của những con đường, đơn cử như: Báo cáo đề nghị Quỹ BTĐB Trung ương cấp kinh phí để sửa chữa đột xuất một số công trình mất ATGT (cấp kinh phí ngoài kế hoạch được giao), đề xuất và được Bộ GTVT đồng ý nâng cấp một số tuyến đường địa phương thành quốc lộ, các tuyến đường này sẽ được bố trí từ nguồn kinh phí bảo trì của Trung ương, đồng thời giảm áp lực cho Quỹ BTĐB địa phương đang gặp khó khăn. Ngoài ra, trong phân khai vốn cũng ưu tiên tỷ trọng kinh phí bố trí cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để duy trì tuổi thọ các tuyến đường.

Phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn

bao tri ninh binh_1
Sửa chữa mố cầu

Ông Lê Trọng Thành cho biết thêm, trong suốt 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với việc kết hợp bằng nhiều nguồn vốn từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, nguồn 35% do Quỹ BTĐB Trung ương cấp và nguồn ngân sách của tỉnh, Quỹ BTĐB tỉnh đã chi hơn 207,8 tỷ đồng để sửa chữa, bảo trì hệ thống đường tỉnh và đường huyện, xã với tổng số 83 công trình (trong đó 68 công trình sửa chữa bảo trì các tuyến đường tỉnh và 15 công trình sửa chữa bảo trì các tuyến đường huyện, xã).

Để đạt được kết quả này, Hội đồng Quỹ BTĐB tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tốt các hoạt động điều hành và xử lý công việc, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ. Các thành viên Hội đồng Quỹ đã phát huy vai trò đại diện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tham gia các hoạt động điều hành, quản lý Quỹ.

Công tác phối hợp xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã được triển khai thực hiện kịp thời. Công tác phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ phát huy hiệu quả rõ rệt; phương án phân bổ phù hợp với thực tế, đã quan tâm đến các địa phương khó khăn, có hiệu quả trong việc sửa chữa hệ thống đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Các cơ quan được giao quản lý và sử dụng nguồn Quỹ đã thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện để đảm bảo nguồn vốn từ Quỹ được triển khai, sử dụng đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành.

Hàng năm, Quỹ BTĐB Trung ương đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp làm việc với Sở GTVT và các đơn vị trong toàn tỉnh. Mục đích của các đoàn công tác là kiểm tra tình hình thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn quỹ bảo trì và kế hoạch về công tác bảo trì hệ thống đường địa phương những năm tiếp theo, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu tại các đơn vị cũng như hệ thống văn bản QPPL, các cơ chế chính sách liên quan đến Quỹ BTĐB

Ý kiến của bạn

Bình luận