Nợ công, điều nguy hiểm hơn mọi ngưỡng cảnh báo

Thị trường 12/04/2016 09:14

Không có một ngưỡng an toàn chung về nợ công cho mọi quốc gia.

 

20160411225715-duong-sat-cat-linh-1457578267
Cách thức sử tiếp cận và hiệu quả sử dụng quyết định chất lượng nợ công.

Nhật Bản nợ công 200% GDP nhưng chưa đáng lo nhưng Việt Nam tỷ lệ 62% đã được cảnh báo nguy cơ. Điều quan trọng là hiệu quả sử dụng đồng tiền đi vay

Những cảnh báo

Sau lời nhận xét lạc quan "Việt Nam có khả năng 100% trả hết nợ công", ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại buổi Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương hôm 11/4 đã nhắc lại một cảnh báo cho Việt Nam.

Theo đó, tại Việt Nam nợ công từ mức khoảng 50% GDP hồi 2011-2012, theo báo cáo của Chính phủ, kết thúc 2015 đã lên tới khoảng 62,2% GDP, tiến sát trần 65% Quốc hội cho phép. Trong đó, nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng cho phép 50% GDP; nợ nước ngoài trên 43%.

Trong khi đó, báo cáo hồi đầu tháng 3/2016 tới UBTV Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, nếu cứ tâm lý trông chờ vào Nhà nước thì nợ công sẽ vượt trần và nợ công tăng nhanh chủ yếu do phát hành trái phiếu Chính phủ tăng mạnh (tăng 3,5 lần trong 2015).

Chuyên gia Sandeep cho rằng, không có con số nào cụ thể áp dụng cho tất cả các nước. Tỷ lệ nợ công của Nhật là trên 200% GDP (cao nhất thế giới) nhưng vẫn được cho không có vấn đề gì. Tuy nhiên, có những nước nợ 50% GDP thì đã khó khăn vật lộn rồi.

Giải thích điều này, ông Sandeep Mahajan nói, vấn đề nằm ở chỗ, “chúng ta tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, rồi kỳ hạn trong danh mục như thế nào. Trong trường hợp Việt Nam, kỳ hạn là vấn đề. Nợ trong nước có kỳ hạn ngày càng ngắn lại. Nó đang tạo ra áp lực lớn”.

Cụ thể hơn, ông Sandeep phân tích, rủi ro không hẳn là mức trả lãi bao nhiêu phần trăm tổng thu ngân sách, bao nhiêu phần trăm GDP. Rủi ro của Việt Nam sẽ tăng lên ở tầm nhìn trung hạn. Nó liên quan tới sự suy giảm các khoản chi tạo ra năng suất hoặc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như giáo dục và y tế. Nợ nhiều khiến khả năng chi tiêu cho các lĩnh vực này thấp. Dư địa không có nhiều để chi đầu tư nhiều hơn cho thúc đẩy tăng trưởng.

Cảnh báo này rất sát với thực tế Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghĩa vụ trả nợ năm 2014 trên tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Chính phủ, vào khoảng 26% và năm 2015 khoảng 32%, đã vượt ngưỡng 25% theo quy định. Điều này cho thấy, chi trả nợ đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển từ NSNN năm 2014 -2015 chỉ ở mức 17% -18%/năm. Cho dù trên thực tế điều hành, có bổ sung thêm từ nguồn dự phòng NSNN, cao nhất cũng chỉ đạt 20%/năm.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh từng nhấn mạnh, tình hình nợ công sẽ nguy hiểm hơn nếu ngân sách đi vay để tiêu dùng. Đó là chính sách vay nợ không bền vững. Nếu vay cho mục đích đầu tư sẽ sản sinh ra sản phẩm mới, đóng góp vào GDP, từ đây có tiền thuế để trả nợ. Nhưng nếu vay tiêu dùng thì các khoản vay đó sẽ mất đi.

Chính vì thế, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã từng ví von, đi vay là phải vay tiền “cái” mới đẻ được, nhưng ta vay thì lại vay tiền “đực”, không đẻ được. Ý ông Lịch muốn nói đã đi vay, thì phải sử dụng số tiền này đầu tư đem lại hiệu quả.

Địa dư chính sách hạn hẹp

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) bất ngờ giảm dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 xuống 6,2%, từ mức 6,6% trước đó vài tháng.

Nhiều lý do được đưa ra, trong đó hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long... đã được nhấn mạnh là một nhân tố tác động bất lợi cho tăng trưởng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Số liệu Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tăng trưởng GDP quý I năm 2016 chỉ đạt 5,46%. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức 6,12% của quý I/2015. Trong đó, các yếu tố thiên tai, giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2016. Điều này khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm nay bị đe dọa.

Con số dự báo tăng trưởng 6,2% mới nhất cùng không hẳn là quá tệ vì đây vẫn là mức sáng sủa so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Tuy nhiên, điều mà ông Sudhir Shetty - Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB thực sự lo ngại đối với Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển trong khu vực là: không gian hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô còn quá ít.

Trước đó, tại một diễn đàn do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) tổ chức hồi giữa tháng 3/2016, PGS.TS Trần Đình Thiên thậm chí còn cho rằng, ngân sách 2016 thực sự gay go. TS. Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch NFSC cũng lo ngại về tín hiệu tăng trưởng không bền vững trong năm 2015 với bội chi ngân sách tăng và nợ công tăng nhanh.

Phó chủ tịch NFSC Trương Văn Phước thì cho rằng, cân đối ngân sách năm nào cũng khó khăn, không chỉ 2015, nhưng trong các năm trước, khoảng trống trần nợ công còn, nay trần nợ công gần như chạm ngưỡng 65%. Đây cũng là vấn đề của năm 2016.

Nhiều chuyên gia chia sẻ, nhu cầu cho đầu tư phát triển duy trì tăng trưởng để tránh tụt hậu là khá lớn trong khi dư địa cho đầu tư phát triển hạn hẹp. Nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế là thách thức lớn cho Việt Nam không chỉ trong 2016 mà cả giai đoạn tới. Điều này khiến cho khả năng xoay xở chính sách ngày càng hạn chế và áp lực hơn cho người điều hành.

Trong báo cáo Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII hồi cuối tháng 3/2016, Chính phủ xác nhận nợ Chính phủ đã vượt mức 50%. Chính phủ cũng nêu rõ nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Gần đây, đại diện Cục quản lý nợ và tài chính quốc tế thuộc Bộ Tài chính cho biết, nợ công sẽ phải trả sớm hơn với lãi suất cao hơn. Vào năm 2017, Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA từ WB và cũng chưa đầy 3 năm sau, ADB cũng sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam giống như WB. Việt Nam sẽ không còn được vay vay ưu đãi khác từ ADB vào năm 2019.

Ý kiến của bạn

Bình luận