Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành vận tải biển nói chung và lực lượng thuyền viên nói riêng cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của đại dịch. Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên ngành vận tải biển vẫn duy trì hoạt động liên tục và thông suốt để đảm bảo hơn 80% hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và thuyền viên hàng hải chính là lực lượng lao động nòng cốt của vận tải biển toàn cầu.
Tuy nhiên khi đánh giá tình hình thực tế hiện nay, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào khi nhiều thuyền viên Việt Nam đang mang tâm lý chán nản do quá hạn hợp đồng và đối diện nguy cơ nhiễm bệnh do chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trước thực trạng này, thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét, có ý kiến với các cấp có thẩm quyền xem xét đưa thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ hồi hương.
Đồng thời, kiến nghị UBND các địa phương mở rộng khu cách ly, tạo điều kiện cách ly thuyền viên với chi phí phù hợp; Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư liên quan đến việc thu phí tàu, thuyền khi thay thế thuyền viên. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cùng vào cuộc, chủ động liên lạc với các tỉnh/thành để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho thuyền viên.
“Đặc biệt, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ kiến nghị thiết lập một tổ công tác tác tháo gỡ tất cả các khó khăn liên quan đến thuyền viên, tạo “cổng một cửa” cho thuyền viên, trợ giúp thuyền viên giải quyết các vưỡng mắc đề hồi hương trong thời gian sớm nhất”, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - bà Heike Deggim, Trưởng Bộ phận An toàn Hàng hải cho biết, rất vinh dự khi được tham gia Hội nghị trực tuyến này để cùng trao đổi về những khó khăn, thách thức lực lượng thuyền viên đang phải đối mặt trong thời gian qua. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của lực lượng thuyền viên trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho nền kinh tế toàn cầu, bà Heike Deggim nhấn mạnh, IMO và các tổ chức quốc tế khác đang nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi để ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành hàng hải, IMO đã ban hành các văn bản khuyến nghị các quốc gia thành viên các biện pháp nhằm duy trì ngành hàng hải, vận tải biển bền vững, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của IMO trong thời gian dịch bệnh kéo dài. Năm 2020, các giải pháp của IMO tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề thay thế và di chuyển của thuyền viên. Từ đầu năm 2021 đến nay, IMO cùng với các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thảo luận và đưa ra Tuyên bố chung về việc kêu gọi các quốc gia thành viên ưu tiên đưa thuyền viên vào chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của quốc gia.
Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị ngành Giao thông vận tải nói chung, Cục Hàng hải Việt Nam nói riêng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê rất chia sẻ với những vấn đề thuyền viên đang gặp phải. Trong thời gian tới, Khám, chữa bệnh cùng với các cơ quan có liên quan sẽ nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng thuyền viên. Các CDC địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, thuyền viên trong việc xử lý các vấn đề có liên quan như: tiêm vắc-xin, quy trình cách ly, mở rộng khu cách ly…
Trước đó, trong nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai các biện pháp được khuyến nghị bởi IMO. Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam đã có thư đề xuất trực tiếp tới Tổng Thư ký IMO về việc khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa lực lượng thuyền viên vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19; đồng thời tích cực làm việc với các bên liên quan và đệ trình IMO xem xét, thông qua Nghị quyết về ưu tiên thuyền viên vào chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại tất cả các quốc gia thành viên.
Song song với đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang nỗ lực đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải các giải pháp, chính sách đặc thù để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thuyền viên hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.