Nỗ lực tạo chuyển biến trong bảo vệ môi trường tại cảng, bến thủy

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 11/12/2024 19:34

Lực lượng cảng vụ đường thủy nỗ lực phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai công tác bảo vệ môi trường tại cảng, bến thủy.

Nỗ lực tạo chuyển biến trong bảo vệ môi trường tại cảng, bến thủy- Ảnh 1.

Một cảng thủy hàng hóa trên tuyến đường thủy quốc gia sông Ninh Cơ

Tích cực tuyên truyền, giám sát để tạo chuyển biến

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, những năm qua, Cục Đường thủy nội địa VN thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, lực lượng cảng vụ đường thủy chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại cảng, bến thủy nội địa.

Theo đó, năm 2023 - 2024, Phòng Khoa học, Công nghệ, Hợp tác quốc tế và Môi trường của Cục phối hợp với các Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN), các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo nhằm phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Một số hội thảo tổ chức thực hành tình huống, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác "Kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến, khu neo đậu và phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài theo quy định".

Về phía cảng vụ, lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết, trong năm đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến pháp luật bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến thủy đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị. Tích cực thông tin, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu trên trang thông tin điện tử của đơn vị, cũng như cung cấp văn bản, tài liệu để tuyên truyền đến các chủ cảng, bến, phương tiện thủy.

Lực lượng cảng vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu, xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm. Trong các hoạt động liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy, lực lượng cảng vụ đường thủy cũng lồng ghép tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với cảng, bến, phương tiện thủy.

Cụ thể, đối với cảng, bến thủy, thực hiện kiểm tra các giấy tờ đã được cấp (quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu) và việc triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

Kiểm tra công tác bố trí nhân sự thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cảng, bến; việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi, tiếng ồn; công tác thu gom rác thải tại cảng, bến và từ phương tiện theo quy định tại Điều 47 Nghị định 08/2021/NĐ - CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Đôn đốc các chủ cảng thủy xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Đối với phương tiện thủy nội địa hoạt động tại vùng nước cảng, bến: Kiểm tra "Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu" đối với phương tiện chở dầu Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên theo quy định tại Khoản 9 Điều 7 Quyết định số 12/2021/QĐ - TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Đôn đốc, nhắc nhở các chủ phương tiện tiến hành thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trên tàu theo đúng quy định.

Nỗ lực tạo chuyển biến trong bảo vệ môi trường tại cảng, bến thủy- Ảnh 2.

Một bến thủy chở khách ngang sông trên tuyến sông Hồng

Không xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Cũng theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, đến nay đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các chủ cảng, bến thủy trong công tác bảo vệ môi trường tại cảng, bến thủy; việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cảng, bến từng bước được nâng cao.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, những năm qua, trên toàn quốc chưa để xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng nào tại cảng, bến thủy do các Cảng vụ Đường thủy nội địa Trung ương quản lý. Hầu hết chủ cảng, bến thủy nội địa và phương tiện hoạt động tại cảng, bến có ý thức hơn về thực hiện bảo vệ môi trường và chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó theo quy định.

Đáng chú ý, các cảng thủy nội địa kinh doanh, trung chuyển xăng dầu và các sản phẩm có nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu đã lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

Về thu gom, xử lý chất thải, đến nay phần lớn các cảng, bến thủy nội địa thực hiện trang bị các thiết bị như thùng chứa rác, xe chứa rác để thu gom rác thải phát sinh trong quá trình hoạt động tại cảng, bến. Sau khi thu gom sẽ vận chuyển đến khu tập kết rác thải theo quy định của địa phương hoặc thuê các đơn vị kinh doanh dịch vụ môi trường đến thu gom, xử lý. Đối với chất thải nguy hại (chủ yếu là giẻ lau dính dầu mỡ), các cảng thủy bố trí thùng chứa riêng, lưu trữ tạm thời tại kho sau đó chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Trách nhiệm của chủ cảng, bến thủy về bảo vệ môi trường

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tại Điều 47 Nghị định số 08/2021 của Chính phủ (quy định về quản lý hoạt động đường thủy) quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa. Theo đó, người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm:

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu.

- Bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến.

- Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.

- Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định.

- Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ.

- Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động.

- Bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.