Còn nhiều sóng gió
Từ đầu năm đến nay, các vụ tai nạn hàng hải liên tục diễn ra. Tính đến tháng 10/2017, cả nước xảy ra 17 vụ tai nạn hàng hải, trong đó có 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những tai nạn trên biển có thể xảy ra bất cứ khi nào. Tuy nhiên, công tác cứu nạn trên biển hiện nay đang gặp không ít khó khăn.
Vùng biển Việt Nam rất rộng lớn với khoảng 100.000 phương tiện của đội tàu cá hoạt động; khoảng 1.000 tàu biển; hoạt động của các tàu thuyền quốc tế qua lại vùng biển Việt Nam; hoạt động của tàu thuyền Việt Nam; hoạt động tuyến bờ đảo. Vài năm trở lại đây, hoạt động này rất nhộn nhịp và không ngừng tăng trưởng.
Đi đôi với việc tăng trưởng đó thì mật độ tàu thuyền hoạt động rất lớn. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là thách thức rất mới, trọng trách mới đặt lên vai những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn những yêu cầu hết sức nặng nề.
Bên cạnh đó những năm gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cứu nạn trên biển, trong đó có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới hơn so với trước đây. Nhiều cơn bão là siêu bão, hoạt động không theo quy luật nào khiến chúng ta không thể xem nhẹ. Mặt khác, trước đây gió mùa chỉ có hai đợt là gió mùa Đông Bắc ở vùng biển phía Bắc vào dịp cuối năm và gió mùa Đông Nam ở khu vực phía Nam vào dịp đầu năm nhưng đến nay gió mùa diễn ra quanh năm và dài ngày, cấp gió đo nhiều đợt tương đương cấp bão, cấp 8, 9 thậm chí giật trên cấp 9, đòi hỏi lực lượng TKCNHH phải có những kế hoạch xử lý tương ứng với những thách thức, những điều kiện thời tiết đặt ra.
Ngoài ra, theo Trung tâm Phối hợp TKCNHH Việt Nam, nhận thức pháp luật của nhiều chủ tàu, ngư dân và người đi biển còn hạn chế nên ý thức phòng ngừa tai nạn rủi ro thấp. Ví dụ, nhiều tàu thuyền, đặc biệt là tàu thuyền thủy sản bố trí đội ngũ thuyền viên không được đào tạo về hàng hải, thủy sản trên tàu; kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp còn lúng túng; rất nhiều tàu cá hiện nay trang bị thô sơ, nghèo nàn, thiếu trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc, sử dụng máy cũ hoặc có tàu tuổi đời cao cộng với việc không có chế độ bảo dưỡng định kỳ dẫn đến tình trạng hay bị sự cố bất ngờ trên biển như: Hỏng máy chính không khắc phục được, tàu bị phá nước do thân tàu mục nát, tàu bị chìm đắm bất ngờ…
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCNHH Việt Nam cho biết: “Việc nhiều thuyền trưởng không có bằng cấp, nhiều tàu được đưa vào khai thác với trang bị thô sơ, khi ra khơi rất khó để đảm bảo một chuyến hành trình trên biển an toàn và chủ động. Theo thống kê thì số vụ tai nạn xảy ra đối với tàu cá hàng năm chiếm tới hơn 80% tổng số vụ tai nạn”.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông cũng là một trong những khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng của Trung tâm còn mỏng, thiếu. Cả một vùng biển rộng lớn chỉ có 7 tàu tìm kiếm cứu nạn, 4 cơ sở hậu cần, còn rất nhiều khu vực trống trải như Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và một số vùng biển, đảo khác…
Hoàn thiện, đổi mới, nâng cao hiệu quả
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phối hợp TKCNHH Việt Nam đã cứu nạn thành công 843 người bị nạn trên biển, trong đó có 775 người Việt Nam và 68 người nước ngoài. Đồng thời, để chủ động trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt vào những thời điểm trước, trong và sau các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm đã tổ chức ứng trực với 100% quân số và phương tiện cứu nạn tại các khu vực biển chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới để sẵn sàng ứng cứu, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trên biển. |
Ứng phó với tai nạn hàng hải, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng trên biển là vấn đề “nóng” được chú trọng quan tâm, cần sự phối hợp của nhiều lực lượng.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Võ Duy Thắng - Trưởng phòng An toàn An ninh hàng hải - Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, có ba vấn đề đặt ra khi xảy ra tai nạn hàng hải: Thứ nhất là con người, thứ hai là môi trường và thứ ba là tài sản như tàu, hàng hóa... Khi tai nạn xảy ra thì vấn đề con người được ưu tiên hàng đầu, sau đó là môi trường như tai nạn có làm tràn dầu trên biển, hóa chất chở trên tàu là gì, mức độ độc hại đến đâu. Từ những vấn đề đó, lực lượng cứu nạn, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp đưa ra phương án giải quyết cụ thể sau khi có những bước xử lý, ứng phó ban đầu.
Theo đó, ngay khi nhận được thông tin cứu nạn từ tàu, chủ tàu hoặc nguồn khác thì Trung tâm Phối hợp TKCNHH Việt Nam xác minh thông tin. Khi xác minh thông tin là chính xác, Trung tâm, cảng vụ hàng hải sử dụng các trang thiết bị xác định chính xác tàu thuyền hiện có xung quanh vị trí tàu bị nạn để yêu cầu hỗ trợ nếu cần thiết và yêu cầu hệ thống đài thông tin duyên hải thông báo hàng hải để tàu thuyền có hành trình gần hoặc qua khu vực xảy ra tai nạn biết để có biện pháp hỗ trợ hoặc phòng tránh phù hợp. Đồng thời, lực lượng cứu nạn hàng hải sẽ khẩn trương làm nhiệm vụ.
“Hệ thống trang thiết bị TKCNHH của nước ta hiện nay tương đối hiện đại, cập nhật những công nghệ mới nhanh hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra thì sự cứu giúp từ các tàu thuyền gần nơi bị nạn là vô cùng quan trọng bởi dù có hiện đại đến mấy nhưng vẫn cần khoảng thời gian nhất định tàu cứu nạn mới có thể đến nơi bị tai nạn”, ông Thắng giải thích.
Ứng phó với tai nạn trên biển là một vấn đề không phải đơn giản, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và các lực lượng. Chính vì vậy trong thời gian qua, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo, đổi mới, bổ sung các quy định, ký quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác TKCNHH.
Để phòng ngừa tai nạn trên biển, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT hàng hải với hình thức nội dung phong phú, phù hợp với mọi đối tượng tham gia hoạt động hàng hải; hoàn thiện các quy định của pháp luật về hàng hải theo tiêu chuẩn các công ước hàng hải về an toàn, an ninh hàng hải, điều kiện lao động và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của IMO, ILO mà Việt Nam là thành viên; nâng cao chất lượng đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của người làm công tác kiểm tra, giám sát an toàn hàng hải; các cơ sở đào tạo tăng cường các giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện sinh viên và sỹ quan thuyền viên.
Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp về “Kế hoạch ứng phó tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng trên biển”. Kế hoạch này xây dựng quy trình chuẩn ứng phó với tai nạn xảy ra, phối hợp với mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động ứng phó với tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn hàng hải triển khai xây dựng phương án cụ thể, tổ chức huấn luyện và thực hành quy trình tác nghiệp thông tin liên lạc, báo động, hiệp đồng phối hợp, điều hành và chỉ huy q
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.