Nợ thuế mới phát sinh của ngành Hải quan phần lớn do… đại gia ôtô

Doanh nhân 20/01/2017 14:31

Phần lớn số nợ thuế mới phát sinh của ngành trong thời gian qua đều liên quan tới việc truy thu thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô

 

photo1484872543925-1484872544266-46-0-365-600-crop
 

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, phần lớn số nợ thuế mới phát sinh của ngành trong thời gian qua đều liên quan tới việc truy thu thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.

Trong báo cáo tổng kết năm, Tổng cục Hải quan cho biết, số nợ thuế không thể thu hồi của ngành này năm 2016 lên đến gần 3.857 tỉ đồng, tăng trên 137 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 tổng số nợ chuyên thu toàn ngành tăng lên hơn 5.640 tỉ đồng, tăng thêm 1.150 tỉ đồng so với năm 2015. Trong khi đó, nợ có khả năng thu hồi được chỉ vào khoảng trên 1.400 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 25%) số nợ chuyên thu. Còn lại toàn bộ thuộc về nợ khó đòi, không thể thu hồi.

Ngày 17.1, lý giải với báo Lao Động về số tiền nợ thuế lớn này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết phần lớn số nợ này phần lớn được chuyển từ "nợ có khả năng thu" sang "nợ không thể thu hồi" do phát sinh từ nợ thuế, phí đối với các hàng hóa xuất - nhập khẩu, thuế VAT, thuế TNDN phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trong diện đã giải thể, phá sản hoặc thương nhân đã chết....

Với số nợ không thể thu hồi này, Tổng cục Hải quan đã từng kiến nghị xem xét và xóa nợ nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, đại diện Cục Hải quan cũng thừa nhận trong tổng số nợ trên cũng có một phần nợ mới và khá nhiều trong số đó liên quan tới số thuế mới được ấn định truy thu của các DN nhập khẩu xe.

Với số nợ phát sinh mới, Tổng Cục Hải quan rất “mạnh tay” thu hồi nhưng ông Thái cũng nhận định một số khoản nợ thuế khá khó đòi, đặc biệt của các DN nhập xe dạng quà biếu.

Ngoài ra, một số dòng sản phẩm bị ấn định thuế cao hơn sau khi thông quan rơi vào các đối tượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới nhưng chỉ sau thời gian ngắn, xuất khẩu được một vài lô hàng xong rồi tự giải thể, khiến Hải quan cũng gặp khó trong việc thu hồi nợ do DN đã "cao chạy xa bay".

Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết thêm nợ thuế khó đòi, không thể thu hồi phổ biến là nợ sau khi có quyết định ấn định thuế của cơ quan Hải quan. Do cơ quan Hải quan thường xem xét giá trị khai báo sau khi thông quan để có cơ sở ra quyết định ấn định các loại thuế. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng chủ yếu là DN nhỏ, mới thành lập đã nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng với giá khai báo thấp hơn rất nhiều giá trị thị trường, sau đó giải thể, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế.

Hiện theo Tổng cục Hải quan, tình trạng nợ đọng thuế khó đòi và không thể thu hồi lớn nhất trong ngành xảy ra nhiều nhất tại 3 địa phương lớn là TP.HCM, Hải Phòng và Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận