Xe đạp điện, xe máy điện đang được “thả nổi”?
Theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 Quy định về đăng ký xe thì xe máy điện bắt buộc phải đăng ký, cấp biển số mới được phép lưu thông. Mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt như đối với xe máy. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, cùng với xe đạp điện, xe máy điện gần như được “thả nổi”.
Lý do là vì, thủ tục, hồ sơ để đăng ký xe máy điện yêu cầu nhiều loại giấy tờ khác nhau, đặc biệt là các loại giấy tờ liên quan đến khâu nhập khẩu, chứng minh nguồn gốc phương tiện…
Trong khi đó, thời điểm Thông tư số 15 của Bộ Công an nói trên có hiệu lực thì đã có quá nhiều xe máy điện được nhập khẩu và bán cho người dân. Phần lớn mọi người không giữ được, hoặc cũng không được người bán cung cấp các giấy tờ gốc liên quan đến phương tiện. Chính vì thế, việc đăng ký đối với xe máy điện thời gian qua gần như là điều không thể thực hiện.
Trong các ngày 11 – 12/5 vừa qua, phóng viên VTC News đã khảo sát qua nhiều tuyến phố tại TP Hà Nội như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Láng, Trường Chinh… Kết quả, phóng viên đã gặp khoảng 200 trường hợp điều khiển xe máy điện, gần 100 trường hợp đi xe đạp điện, nhưng hầu hết tất cả những xe này đều không được gắn biển số.
Một vài xe máy điện có gắn biển số nhưng đây đều là những biển không có thực, “biển số đồ chơi” của học sinh như 80B-8888, 80B-9999, 80B-6789…
“Xe đạp điện có tốc độ tối đa là 25km/h, trong khi đó xe máy điện có tốc độ gấp đôi. Luật đã quy định là xe máy điện phải đăng ký. Nhưng thực tế tôi thấy hiện nay xe máy điện cũng không khác gì xe đạp điện, không đăng ký mà vẫn lưu thông bình thường trên đường.
Trong khi đó, tôi cũng chẳng mấy khi thấy CSGT xử lý những trường hợp này. Nếu cứ thả nổi xe máy, xe đạp điện như hiện nay thì sẽ khiến cho người điều khiển loại phương tiện này ngày càng coi thường pháp luật”, anh Trần Thanh Sơn, ở quận Cầu Giấy cho biết.
Cảnh sát giao thông ‘kêu’ khó
Liên quan đến vấn đề này, Đội trưởng một Đội CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, theo quy định thì xe máy điện phải đăng ký, xe đạp điện thì không phải đăng ký. Một trong những dấu hiệu cơ bản để phân biệt xe máy điện với xe đạp điện là khi hết điện, xe máy điện không thể đi được vì không có bàn đạp như xe đạp điện.
Vị Đội trưởng này cho biết thêm, việc đăng ký đối với xe đạp điện đòi hỏi phải có giấy tờ hải hải quan gốc. Chính điều này đã gây khó khăn trong việc đăng ký cho xe đạp điện và thực tế số lượng xe máy điện được đăng ký hiện nay là rất ít so với số phương tiện đang lưu thông trên thực tế.
Trước câu hỏi, hiện nay khi gặp trường hợp xe máy điện không đăng ký tham gia giao thông thì CSGT có xử lý hay không, vị cán bộ này cho hay, đơn vị của ông cũng chỉ nhắc nhở, động viên chủ phương tiện đi làm thủ tục đăng ký. Lý do là vì, việc xe máy điện không đăng ký hiện nay chủ yếu là do lỗi từ phía cơ quan Nhà nước chứ không phải người dân.
“Đó là chủ trương, trước đây, đã có một đợt chúng tôi đã ra quân xử lý vấn đề này. Nhưng thời gian này chúng tôi vẫn đang động viên người dân đi làm thủ tục đăng ký. Cái vướng ở đây không phải lỗi do người dân mà là do các cơ quan nhà nước.
Trước đây, Bộ Giao thông đã đưa ra vấn đề là đơn vị nhập phương tiện phải làm thủ tục đăng ký phương tiện cho người mua. Anh đã nhập về thì anh phải làm thủ tục cho người ta”, vị Đội trưởng nói.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thượng tá Lê Đức Đoàn – Công dân thủ đô ưu tú năm 2012, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, xe máy điện và xe đạp điện là loại phương tiện có tốc độ khá cao.
Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, các loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn. Trong khi đó, việc quản lý nhà nước đối với xe máy điện, xe đạp điện hiện nay vẫn có nhiều bất cập.
“Theo tôi, cần phải bắt buộc đăng ký với cả xe đạp điện, chứ không chỉ xe máy điện như hiện nay. Việc một loại phương tiện có giá trị rất lớn (có khi tương đương với một chiếc xe máy thông thường), có động cơ với tốc độ khá cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như vậy mà không bắt buộc phải đăng ký là điều bất cập.
Việc đăng ký xe sẽ giúp việc quản lý các phương tiện này của cơ quan chức năng được tốt hơn. Quản lý chặt chẽ đối với xe máy điện, xe đạp điện sẽ khiến người dân có trách nhiệm hơn với phương tiện của mình khi tham gia giao thông,” ông Đoàn nói.
Miếng mồi ngon của trộm cắp
Thời gian gần đây, xe máy điện, xe đạp điện đang trở thành “miếng mồi ngon” của các đối tượng trộm cắp. Hàng loạt các đường dây trộm cắp xe đạp, xe máy điện đã được lực lượng công an triệt phá.
Theo lời khai của nhiều đối tượng bị bắt giữ thì chúng thường lựa chọn xe máy, xe đạp điện để trộm cắp là vì loại xe thông dụng, rất nhiều người có nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, dù có giá cả chục triệu đồng nhưng xe đạp điện lại không cần phải đăng ký biển số, trong khi xe máy điện chưa được đăng ký cũng không thấy bị xử phạt.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chỉ cần đối tượng thay đổi một vài chi tiết thì ngay cả chủ nhân khó phát hiện ra. Điều này khiến kẻ cắp dễ dàng mang đi tiêu thụ mà không sợ bị phát hiện.
Mặt khác, chủ nhân xe đạp điện, xe máy điện hầu hết là học sinh, sinh viên thường chủ quan, sử dụng xe nhưng chưa đánh giá đúng giá trị thực của loại tài sản này để có biện pháp bảo vệ.
Địa điểm xảy ra mất trộm thường là các quán cà phê, các tiệm internet… Đối tượng trộm cắp thường lợi dụng lúc chủ xe sơ hở, không rút chìa khóa, không có khóa dự phòng hoặc không có người trông giữ.
Theo VTC
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.