Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã đáp ứng yêu cầu định hướng cho đầu tư theo thứ tự ưu tiên và là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành chủ trương, xây dựng các chính sách.
Tạo Tiền đề phát triển GTVT trong tương lai
Một trong những thành quả nổi bật nhất của Bộ GTVT vừa qua là đã trình Chính phủ cả 5 quy hoạch ngành GTVT, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 4 quy hoạch ngành, gồm: đường sắt, đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa, riêng quy hoạch hàng không hiện đang đợi Chính phủ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT được lập đồng thời theo hướng tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện. Với "điểm sáng" này, Bộ GTVT là ngành đầu tiên hoàn thiện sớm nhất quy hoạch phát triển ngành, minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, sát sao và tầm nhìn của lãnh đạo Bộ khi định hình rõ đây là tiền để phát triển GTVT trong tương lai.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án. Các quy hoạch của Bộ GTVT xây dựng đã được nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để đạt được chất lượng tốt nhất.
Các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đặc biệt, các quy hoạch ngành của Bộ GTVT cũng chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo ông Nguyễn Trí Đức - Chánh văn phòng Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa.
Đối với các kế hoạch thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng hàng hải, đường sắt, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đã tiếp thu, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án năm 2023, trong đó sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ 4 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực đường sắt trong năm 2024.
Bên cạnh "điểm sáng" về quy hoạch ngành, thời gian gần đây, Bộ GTVT cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, ông Nguyễn Trí Đức cũng cho biết, đến tháng 11/2022 Chính phủ đã ban hành 6/7 Nghị định do Bộ GTVT trình trong năm kế hoạch.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư xây dựng
Một "điểm sáng" trong nỗ lực đổi mới, cơ chế, thể chế để tạo đột phá phát triển của ngành GTVT thời gian gần đây là việc Bộ GTVT xây dựng đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực GTVT. Trong đó, Bộ GTVT chỉ giữ vai trò chủ đầu tư đối với các dự án trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ là cấp quyềt định đầu tư, còn lại Bộ GTVT phân cấp, phân quyền cho các ban QLDA.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, việc điều chỉnh chức năng chủ đầu tư làm tăng tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ GTVT. "Việc các ban QLDA được tăng quyền đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm. Do đó, các ban QLDA phải củng cố cơ cấu tổ chức, nhân sự và năng lực, đáp ứng điều kiện về vai trò chủ đầu tư", vị này nhấn mạnh.
Đánh giá cao nỗ lực tạo đột phá cơ chế, thể chế của Bộ GTVT, TS. Nguyễn Ngọc Long - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng, trong 2 thập kỷ đầu tư xây dựng gần đây, hạ tầng giao thông đã có nhiều thay đổi từ nguồn vốn đầu tư đến hệ thống quy định pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu của thời đại về việc đổi mới hệ thống quản lý, bộ máy tổ chức để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trước đây, nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông chủ yếu là vốn ngân sách, nay cơ cấu vốn đã đa dạng, đặc biệt là tỷ trọng vốn cho các dự án PPP giao thông ngày càng lớn. Hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, điển hình là Luật Xây dựng cũng có nhiều thay đổi. Việc ngành GTVT đổi mới bộ máy tổ chức, phương thức điều hành để áp dụng vào quản lý hoạt động đầu tư xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Dễ thấy, việc phân cấp, phân quyền, giao cho các ban QLDA làm chủ đầu tư được thực hiện trong thời gian vừa qua đã tạo ra được những bước đột phá trong hoạt động đầu tư xây dựng, minh chứng chủ trương, nỗ lực này là rất đúng đắn và phù hợp.
Đổi mới và hoàn thiện hệ thống luật 5 lĩnh vực giao thông
Chia sẻ với PV Tạp chí GTVT về việc xây dựng Dự thảo Luật Đường bộ, bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Đường bộ theo hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Quyết định 2114 ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát cũng đã được tổng hợp trong Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt: Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, hàng hải và phê duyệt các đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành.
Bộ GTVT cũng tiếp thu, hoàn thiện 2 dự thảo, gồm: Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về việc tổng kết các luật chuyên ngành, bà Nga cho biết hiện đã hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết các luật chuyên ngành. Vụ Pháp chế đã tham mưu để Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành các quyết định về kế hoạch tổng kết, xây dựng Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi).
Đối với Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam và Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Vụ Pháp chế đang tiếp tục phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thiện báo cáo tổng kết theo yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT. Trên cơ sở kết quả tổng kết, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện lập đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Chính phủ.
Một trong những ưu tiên quan trọng nhất của Bộ GTVT hiện nay là đẩy mạnh công tác xây dựng, tổng kết luật. Đối với xây dựng Luật Giao thông đường bộ, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Cục ĐBVN, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy trình xây dựng luật và theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Để phục vụ cho tổng kết Luật Đường sắt, trong tháng 12/2022, Bộ GTVT thực hiện khảo sát thực tế tình hình triển khai thi hành luật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Từ cơ sở, kết quả khảo sát sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết Luật để thực hiện xin ý kiến lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT trước khi tổ chức lấy kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương.
Đề cập đến tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, bà Nga cho hay, Bộ GTVT sắp tổ chức 2 hội nghị tổng kết luật tại miền Bắc và miền Nam. Cơ sở kết quả hội nghị sẽ giúp hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết trình Ban Cán sự đảng Bộ GTVT xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện nghiên cứu lập đề nghị xây dựng luật theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với tổng kết Bộ luật Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam đang xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết và trình lại Bộ GTVT. Trên cơ sở báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Pháp chế tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cục, vụ để thực hiện các bước tiếp theo về tổng kết Bộ luật theo quy định. Ngoài ra, Vụ Pháp chế đang chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Đường thủy nội địa trước khi trình lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.