Xe biển xanh hay "xe vua"
Theo phản ánh của người dân, phóng viên Tạp chí GTVT ghi nhận xe biển xanh mang BKS 29A-002.61 thuộc UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) dù đã hết hạn đăng kiểm theo quy định nhưng vẫn hoạt động thường xuyên trên đường, phục vụ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn. Điều này không chỉ mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn khiến người dân đặt câu hỏi về việc ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan này.
Trong các ngày trung tuần tháng 5, ghi nhận của PV cho thấy, chiếc xe 29A-002.61 hết hạn đăng kiểm, được điều khiển bởi một người mang màu áo dân phòng thuộc UBND phường Ngọc Lâm chở khoảng 2 người khác thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn mà không hề bị cơ quan chức năng nào xử lý.
Quan sát còn cho thấy, trên thành xe dán chữ “Bảo vệ dân phố - Quản lý trật tự đô thị phường Ngọc Lâm” cùng với tấm pa - nô tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Mỗi khi gặp chiếc xe này đi trên đường, người dân lo lắng về độ an toàn, bởi chiếc xe có dấu hiệu xuống cấp, không đủ điều kiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, song những người điều khiển phớt lờ các quy định của pháp luật, đưa xe hết “đát” đi thi hành công vụ.
Nguồn tin của Tạp chí GTVT cho hay, ô tô mang BKS 29A.00261 được TP Hà Nội cấp cho UBND phường Ngọc Lâm đã hết hạn đăng kiểm từ nhiều tháng nay. Điều này đồng nghĩa với việc, phương tiện nói trên sẽ không được lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với PV sáng ngày 14/5, lãnh đạo UBND phường Ngọc Lâm cho rằng: “Xe hết hạn đăng kiểm không có gì to tát. Đây là việc bình thường…”
Hình ảnh xe biển xanh thuộc UBND phường Ngọc Lâm hết hạn đăng kiểm vô tư diễu phố |
Mặt khác, đem thông tin trên trao đổi với Đội CSGT số 5 – CA TP Hà Nội, đơn vị quản lý các vấn đề giao thông trên địa bàn phường Ngọc Lâm, chúng tôi nhận được phản hồi: “CSGT không xử lý trường hợp này, thông tin được chuyển cho CA phường Ngọc Lâm kiểm tra, xử lý theo quy định”.
Câu hỏi đặt ra, tại sao trong trường hợp này, lực lượng CSGT lại thoái thác trách nhiệm, coi việc xử lý xe biển xanh là khó khăn, đùn đẩy vụ việc xuống công an cấp phường?
Xin nhấn mạnh rằng, việc để phương tiện của UBND phường Ngọc Lâm hết hạn đăng kiểm, song vẫn hoạt động trên đường thuộc trách nhiệm về nhiều đơn vị quản lý, của người đứng đầu phường, cũng như trách nhiệm của lực lượng CSGT Hà Nội.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ: “Xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ thì phải đảm bảo quy định về Điều kiện chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.
Trên kính trước không có tem kiểm định theo quy định |
Việc chứng nhận đủ điều kiện chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới đường bộ tham gia giao thông được quy định cụ thể tại Thông tư số: 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo quy định của Thông tư này thì tất cả các loại xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ phải được đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận cũng như tem kiểm định dán trên kính chắn gió phía trước bên phải xe.
Đối với trường hợp xe ô tô: BKS 29A-002.61 của UBND phường Ngọc Lâm dù hết hạn đăng kiểm, song vẫn tham gia giao thông là vi phạm pháp luật về giao thông và có thể bị xử phạt theo quy định tại: Nghị định số: 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú, trong trường hợp, chiếc xe này không phải do tổ chức điều động đi làm nhiệm vụ mà do lái xe tự ý lái đi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện bị xử phạt theo quy định tại: điểm e, khoản 5, Điều 16, nghị định 46, với mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Nếu như xe này do chủ sử dụng đưa vào sử dụng và để làm nhiệm vụ công vụ theo điều động của tổ chức thì tổ chức sở hữu xe này phải bị xử phạt theo quy định tại điểm c, khoản 9, Điều 30, nghị định 46, với mức phạt từ 12 đến 16 triệu đồng.
Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó trưởng phòng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng: “Việc UBND phường Ngọc Lâm sử dụng xe hết đăng kiểm trong khi làm nhiệm vụ là coi thường pháp luật, rất phản cảm. Nếu để xảy ra tai nạn thì hậu quả là khôn lường, lúc đó chúng ta nói giá như thì đã quá muộn”.
Chiếc xe thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm trật tự đô thị tại khu vực chợ tạm Gia Lâm |
Cũng theo ông Trần Sơn, khi tham gia giao thông đường bộ thì tất cả mọi người kể cả cá nhân, cơ quan tổ chức đều phải tuân thủ và chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Bất kỳ ai vi phạm đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, không kể đó là cơ quan nhà nước (ngoại trừ trường hợp bất khả kháng vì mục đích quốc phòng, an ninh và các tình thế cấp thiết khác như lũ lụt và hỏa hoạn…).
Là một cơ quan thực thi pháp luật thì ngoài việc chấp hành luật giao thông thì UBND phường Ngọc Lâm còn phải làm gương, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân; đặc biệt ở đây là cơ quan chuyên thực hiện việc bảo vệ trật tự đô thị thì lại càng phải chấp hành luật lệ giao thông.
“Trong vụ việc này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng TP Hà Nội, Công an thành phố cần có động thái xử lý tập thể, cá nhân cố tình vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, Đại tá Trần Sơn nêu ý kiến.
Vì sao xe biển xanh thuộc UBND phường Ngọc Lâm hết hạn đăng kiểm, song vô tư “diễu phố”, qua mặt nhiều cơ quan chức năng mà không bị xử lý? Trách nhiệm này thuộc về ai?
Tạp chí GTVT sẽ thông tin ở bài sau./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.