Một "cô gái giao thông" Triều Tiên đang làm nhiệm vụ tại khu vực trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP |
Những bông hoa mộc lan của Triều Tiên
Theo AFP, những "cô gái giao thông này được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng nhất là ở diện mạo, ngoại hình với mục đích tô đẹp cho đường phố Bình Nhưỡng. Họ sẽ phải rời khỏi vị trí nếu kết hôn hoặc bước qua tuổi 26.
Một "cô gái giao thông" Triều Tiên đang làm nhiệm vụ tại khu vực trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP
Hơn 300 "cô gái giao thông" này được coi là "những bông hoa mộc lan" - quốc hoa của Triều Tiên. Vẻ đẹp của họ được trân trọng và được coi là cách thể hiện nỗ lực của Chính phủ Triều Tiên trong việc mang lại sự thân thiện cho du khách quốc tế. Họ cũng là đối tượng chụp ảnh ưa thích của các du khách và nhà báo quốc tế.
"Họ chính là gương mặt đại diện cho thủ đô", một quan chức cao cấp của Bộ An ninh Nhân dân Triều Tiên phụ trách về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho biết: "Đó chính là lý do họ được lựa chọn dựa trên ngoại hình".
Khi được hỏi vì sao gần 400 nam đồng nghiệp của họ không bị áp đặt tuổi về hưu, quan chức này giải thích: "Thông thường, phụ nữ Triều Tiên sẽ kết hôn ở tuổi 26 hoặc 27. Công việc này rất vất vả và khó khăn nên họ chỉ có thể làm việc này khi còn độc thân".
Những "cô gái giao thông" Triều Tiên xuất hiện lần đầu trên đường phố Bình Nhưỡng vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi xe cộ còn rất hiếm hoi. Khi đó, hình ảnh họ tham gia điều tiết giao thông với sự chính xác và lòng nhiệt tình cao độ trở thành đề tài đàm tiếu bởi trước mặt họ là những đại lộ rộng thênh thang nhưng hầu như không có xe cộ qua lại.
Tuy nhiên, sự đàm tiếu này không tồn tại được lâu khi lượng xe cộ tại Bình Nhưỡng tăng lên nhanh chóng trong vài năm qua khi Triều Tiên đã có những bước đi đầu tiên trong việc mở cửa nền kinh tế.
Tình yêu vô hạn với công việc
Dù các cột đèn tín hiệu giao thông đã bắt đầu được đặt tại nhiều ngã tư ở Bình Nhưỡng nhưng những "cô gái giao thông" Triều Tiên vẫn không quản nắng mưa làm nhiệm vụ của mình. Cứ 2 người một làm theo ca, mỗi người làm một tiếng sau đó nghỉ một tiếng rồi lại đổi ca cho người còn lại.
Bất chấp việc chân của họ bị tê cứng khi phải đứng nhiều giờ liền làm nhiệm vụ, Đại úy Ri Myong-Sim, 24 tuổi, chia sẻ: "Chúng tôi phải thực hiện từng hành động của mình với "tính kỷ luật và tinh thần tập trung cao độ".
Đại úy Ri đã làm công việc này được 7 năm, cô cho biết, trước khi được làm công việc này, cô đã phải trải qua những giờ huấn luyện hết sức căng thẳng khi phải liên tục "lặp đi lặp lại những động tác đến mức phát chán".
Tuy nhiên, cô vẫn luôn dặn lòng mình phải liên tục cố gắng: "Mỗi khi cảm thấy chán nản, tôi lại nghĩ rằng những nhà lãnh đạo của chúng tôi, những người luôn quan tâm chăm lo hạnh phúc của nhân dân, đang dõi theo công việc của chúng tôi. Ý nghĩ đó khiến tôi có thể làm việc cả đêm và tiếp tục việc này vào ngày hôm sau mà không cảm thấy mệt mỏi gì".
Đại úy Ri cũng thừa nhận, những cột đèn giao thông mới được lắp đặt tại Triều Tiên đã "giúp cho công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn".
Cũng theo Đại úy Ri, để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt tại Triều Tiên, các "cô gái giao thông" được trang bị áo bông dày. Dù vậy, hơi thở của họ vẫn nhanh chóng bị đóng băng lại trong cái rét cắt da cắt thịt nhất là vào lúc sáng sớm và đêm tối. Khi làm việc vào ban ngày, họ được trang bị kính chống nắng, trong khi đó, vào ban đêm, họ sẽ mặc thêm áo phản quang.
Khi được hỏi liệu việc trở thành tâm điểm chú ý từ các du khách quốc tế có khiến cô bị phân tâm khi đang làm việc hay không, Đại úy Ri chia sẻ: "Chúng tôi luôn rất tập trung vào công việc và hầu như không để ý đến việc có ai đó nhìn về phía mình".
Đại úy Ri cũng cho biết, cô sắp phải nghỉ làm việc và đang tham gia một lớp tập huấn để có thể trở thành giáo viên.
Biểu tượng về hình ảnh số một của Triều Tiên
Ông Simon Cockerell, Giám đốc Hãng Koryo Tours- đơn vị chuyên tổ chức các chuyến du lịch đến Triều Tiên trong suốt 15 năm qua- ca ngợi những "cô gái giao thông" Triều Tiên là hình ảnh đại diện lớn nhất và quan trọng nhất của nước này về phương diện du lịch.
"Họ cùng một lúc làm 2 công việc, đó là điều tiết giao thông và "thắp sáng" diện mạo thủ đô Bình Nhưỡng. Tôi không tin có du khách nào đến thăm Bình Nhưỡng mà lại không chụp ảnh với các "cô gái giao thông", ông Cockerell nói.
"Tôi nghĩ sẽ là không quá lời nếu gọi họ là biểu tượng của Bình Nhưỡng dù trong mắt nhiều du khách, họ chỉ là đối tượng để chụp ảnh", ông Cockerell nói thêm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.