Cảnh ngập lụt do mưa lớn sau bão Harvey ở Orange, bang Texas, Mỹ ngày 31/8/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giảm nhẹ thiệt hại về kinh tế do thiên tai có thể biến đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới và đây cũng là trọng tâm của Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (IDDR) năm nay (13/10).
Tiếp tục thực hiện một phần trong Khung hành động Sendai được Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ban hành năm 2015, năm 2018 chú trọng vào thực hiện mục tiêu C - giảm nhẹ thiệt hại về kinh tế do thiên tai trực tiếp gây ra tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2030. Các thiên tai như nắng nóng, động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán… tác động mạnh đến nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó kìm hãm sự phát triển bền vững.
Xét trong ngắn hạn, thiên tai gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân và các công ty bảo hiểm, đẩy giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Trong dài hạn, các vụ thiên tai với sức tàn phá khủng khiếp kéo đà tăng trưởng kinh tế khu vực chậm lại hàng thập kỷ. Chỉ một vụ thiên tai xảy ra có thể khiến năng suất lao động thụt lùi hàng chục năm do khoảng 30-60% những người may mắn sống sót mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn. Các công trình đường sá, cầu cống, nhà ở, văn phòng… đều bị phá hủy, thậm chí nhiều công trình không thể tái thiết.
Sự kiện IDDR có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh những năm trở lại đây, thiên tai xảy ra tại nhiều nước trên thế giới với cường độ mạnh và tần suất gia tăng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường, không chỉ gây thương vong lớn mà còn gây tổn thất nặng về vật chất.
Báo cáo của Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai LHQ (UNISDR) công bố ngày 10/10 vừa qua cho thấy, trong giai đoạn 1998-2017, các nước trên thế giới hứng chịu hơn 6.600 thảm họa thiên tai, chủ yếu là bão và lũ lụt. Thiệt hại kinh tế do thiên tai liên quan đến hiện tượng Trái Đất ấm lên đã lên tới 2.250 tỷ USD, tăng hơn 250% so với 20 năm trước.
Năm 2017 trở thành năm thiên tai khốc liệt với thiệt hại hơn 0,4% GDP toàn cầu, khoảng 353 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2016. Trong đó, Mỹ là nước bị ảnh hưởng lớn nhất do cháy rừng ở Carlifornia và 3 siêu bão Harvey, Irma và Maria. Riêng bão Harvey “cuốn trôi” 125 tỷ USD, chỉ xếp sau cơn bão Katrina.
Trong nửa đầu năm 2018, thiên tai đã “thổi bay” 36 tỷ USD, với một loạt bão mạnh ở châu Âu và Mỹ. Con số này sẽ không dừng lại khi thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan. Tháng 9 vừa qua, trận động đất với cường độ 7.0 làm rung chuyển Nhật Bản, siêu bão mạnh nhất thế giới trong năm nay Mangkhut đổ bộ vào Philippines và Trung Quốc, động đất và sóng thần ở Indonesia cũng như nhiều vụ thiên tai lớn khác trên thế giới.
Theo UNISDR, tần suất cũng như sự thảm khốc của những đợt thiên tai như lũ lụt, hạn hán và các trận siêu bão gia tăng do biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn từ năm 1998-2017, các thiên tai do biến đổi khí hậu chiếm 90% trong số 7.255 vụ thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp, trong đó chủ yếu là lũ lụt và mưa bão.
Những con số đáng báo động tiếp tục gióng lên hồi chuông thúc giục các chính phủ, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức quốc tế, cơ quan LHQ áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai. Một trong những biện pháp hữu hiệu là đầu tư kỹ lưỡng vào công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Một số nước thường hứng chịu thiên tai đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về phòng chống và giảm nhẹ tổn thất do thảm họa tự nhiên. Nhật Bản, nước hứng chịu gần 1.500 trận động đất/năm, đã xây dựng được hệ thống ứng phó với thiên tai giúp hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Hệ thống chống thiên tai của “xứ Phù tang”đáng nể bởi khả năng ứng phó nhanh và đặc biệt chuyên nghiệp. Trong thảm họa kép động đất và sóng thần gây rò rỉ hạt nhân năm 2011, Nhật Bản đã huy động hàng trăm nghìn quân nhân, nhân viên cứu hỏa trong 3 ngày tìm kiếm cứu nạn cho 15.000 người, đưa 55.000 người trong khu vực thảm họa đến 2.100 cơ sở tạm trú.
Bên cạnh đó, người Nhật cũng nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng các công trình có thể trụ vững mỗi khi xảy ra động đất. Các thiết kế đặc biệt cho các tòa nhà nhằm hấp thu lực tác động và giảm tối đa những chuyển động rung lắc giữa các tầng. Những cấu trúc chống động đất có thể kể đến như cấu trúc máng nước cho móng nhà dựa trên cơ sở chuyển động trượt, móng nhà lò xo, cấu trúc bằng cao su dưới dạng những ống giảm xóc lắp bên dưới tòa nhà, hay lắp đặt các con lắc thép khổng lồ trên nóc nhà cũng như trang bị nhiều thiết bị chống động đất tiên tiến khác. Tiêu chuẩn xây dựng các công trình kiến trúc không ngừng được nâng cao, trong đó quy định các tòa nhà phải có khả năng chịu được các trận động đất từ cấp 7 trở lên.
Là một trong những quốc gia chịu sự tàn phá ghê gớm của các trận mưa lũ và sóng thần, Philippines dành khoản ngân sách 629 triệu USD để xây dựng và củng cố đê kè, nạo vét sông, đường thủy, lắp đặt máy bơm ở những vị trí xung yếu tại thủ đô Manila và khu vực ngoại thành thường xuyên bị ngập úng. Chính phủ nước này cũng đề ra “Kế hoạch tổng thể về quản lý lũ lụt” cho giai đoạn 2012-2035, với các dự án nạo vét gần 200 con lạch và cửa sông ở khu vực Manila, thiết kế hệ thống thoát nước có thể cảnh báo cho cộng đồng địa phương về nguy cơ ngập úng trước 6 giờ, lắp đặt hơn 61.000 máy đo lượng mưa tự động và khoảng 500 trạm quan trắc mực nước ở 1.800 lưu vực sông lớn khắp cả nước, tập trung vào các hòn đảo chính ở Luzon.
Nhìn sang Malaysia sẽ thấy công trình đường hầm độc đáo “hai trong một” mang tên SMART dài 9,7km tại thủ đô Kuala Lumpur. Giải pháp thông minh này được áp dụng vừa để phục vụ giao thông trong những ngày tạnh ráo, vừa để thoát lũ mỗi khi mưa lớn làm nước sông tràn bờ.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ vừa cảnh báo nhiệt độ trên Trái Đất có thể sẽ tăng 1,5 độ C từ năm 2030 đến 2052, làm dấy lên lo ngại về xu hướng gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nếu chính phủ các nước không khẩn trương áp dụng các biện pháp kịp thời ngăn chặn những xu hướng tiêu cực này thì những thành tựu kinh tế cũng như tiến triển hướng tới phát triển bền vững sẽ bị “nhấn chìm” bởi thiên tai. Sau cùng, những “cơn ác mộng” kinh hoàng do thiên tai để lại tác động trực tiếp đến người nghèo. Do đó, thực hiện mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại kinh tế do thiên tai cũng chính là đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh khốn cùng, một trong những mục tiêu chủ chốt của chương trình nghị sự phát triển bền vững.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.