Nước Đức đang "nghiện" khí đốt của người Nga như thế nào?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 07/07/2017 15:49

Mặc dù đã cố gắng phát triển nguồn năng lượng sạch nhưng Đức vẫn chưa thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu khí Nga.

photo-0-1499237988775-crop-1499238018188

Dự án Nord Stream 2

Gần đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đệ trình Nghị viện kế hoạch xây dựng thêm đường ống dẫn khí đốt mới gần thị trấn Hanseatic Greifswald với trị giá 10 tỷ USD qua biển Baltic nhằm tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Đường ông dài hơn 3.000 km này được quản lý và thúc đẩy bởi tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom. Kế hoạch của bà Merkel là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong quá trình chuyển giao từ nhiệt điện và năng lượng hạt nhân sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, dự án này đang gặp phải nhiều thách thức khi những người dân sống trong khu vực đã đệ trình 160 đơn kiến nghị phản đối. Nhiều nước Châu Âu cũng tỏ ra quan ngại về dự án khi chúng khiến khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng từ Nga.

Tình hình trên đang làm khó cho chính quyền Berlin khi Đức là nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất Châu Âu và 40% nguồn cung của nó đến từ Nga. Theo Viện Oxford Institute, nhập khẩu khí đốt từ Nga là phương pháp tiện lợi nhất đối với Đức nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong nước khi nước này khó lấy được các nguồn thay thế khác.

Số liệu của hãng tư vấn Wood Mackenzie cho thấy nguồn cung khí đốt của Nga vào Đức có thể đạt hơn 50% vào năm 2025 khi một nhà cung cấp khác là Hà Lan giảm sản lượng trong những năm tới.

Hiện Nga đang cung cấp khí đốt cho hơn 20 nước để chạy nhà máy điện, sưởi ấm hay sản xuất hóa học. Dự án trên của Đức có thể làm bàn đạp cho Nga mở rộng hệ thống cung cấp khí đốt ra các nước Châu Âu sau những biến động địa chính trị tại Ukraine.

Đường ống cũ của Đức hiện đang có công suất vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt, tương đương 2/3 nhu cầu trong nước và dự án mới sẽ tăng gấp đôi công suất.

Theo hãng Mackenzie, dự án xây dựng đường ống qua Đức rẻ hơn 40% so với những đường ông qua Ukraine cũ nếu Nga muốn tiếp cận hơn thị trường khí đốt Châu Âu. Do những cuộc xung đột tại Ukraine mà giá khí đốt đến cửa khẩu Đức trong tháng 5 đã tăng 28% so với tháng 9/2016. Tổ chức Bruegel nhận định việc xây dựng dự án đường ống mới này sẽ khiến một loạt các quốc gia như Đức, Anh, Pháp… được hưởng lợi do giá khí đốt giảm.

Hãng Gazprom cũng tiết lộ họ sẽ giảm dần lượng khí đốt vận chuyển qua đường Ukraine sau năm 2019.

Trong khi đó, Thủ tướng Merkel đang gặp nhiều khó khăn với nhiệm vụ giảm khí thải nhờ kính từ nay đến năm 2020. Bất chấp những dự án năng lượng sạch, Đức vẫn khó có thể giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với thập niên 1990.

Trước tình hình này, nhiều khả năng Nghị viện sẽ thông qua kế hoạch đóng cửa những nhà máy nhiệt điện hiện đang cung cấp 40% năng lượng toàn quốc. Thay thế vào đó sẽ là những nhà máy chạy bằng khí đốt trong quá trình quá độ chuyển đổi lên năng lượng sạch.

Ngân hàng HSBC cho rằng trong vòng 5 năm tới, khí đốt sẽ cung cấp 1/5 điện năng cho nước Đức, cao gấp đôi so với tỷ lệ hiện tại.

Cơn nghiện khó dứt

Kế hoạch chuyển đổi năng lượng sạch của Đức đã được khởi động từ cách đây 20 năm nhưng chỉ mới được đẩy mạnh sau vụ ô nhiễm phóng xạ của nhà máy điện nguyên tử Fukushima-Nhật Bản năm 2011. Chứng kiến thảm họa rò rỉ hạt nhân, Thủ tướng Merkel đã đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn năng lượng bẩn vào năm 2022.

Chính điều này đã khiến nhà lãnh đạo Đức thuyết phục Nghị viện thông qua dự án đường ống dẫn dầu mới bất chấp việc Nga đang bị các nước Phương Tây cấm vận.

Theo Bộ trưởng kinh tế Đức, ông Stefan Rolle, dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ tạo thêm nguồn cung cho thị trường dầu khí đang thiếu hụt ở Châu Âu và đây là loại năng lượng duy nhất phù hợp với mục tiêu quá độ lên năng lượng sạch của nước Đức.

Trong khi đó, Mackenzie nhận định nhu cầu khí đốt tại Đức sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 trước khi được thay thế hoàn toàn bằng năng lượng gió và mặt trời. Hiện Đức đang phấn đấu sản xuất 80% điện năng của họ bằng năng lượng sạch vào năm 2050.

Bước đi này của tập đoàn Gazprom mang ý nghĩa chiến lược khi Đức có một hệ thống đường ống dầu khí nối liền với nhiều nước Châu Âu như Na Uy hay Hà Lan. Mặc dù công suất hoạt động của hệ thống này đã đầy nhưng Gazprom vẫn kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới cho thị trường dầu khó khi vấn đề Ukraine đang mắc kẹt.

Động thái của Thủ tướng Merkel cũng khiến nhiều chuyên gia bất ngờ bởi nhà lãnh đạo này vừa chấp nhận gia hạn các lệnh cấm vận với Nga cũng như là người đi đầu trong việc đề nghị Nga chấm dứt xung đột tại Ukraine. Theo các chuyên gia, việc Đức hợp tác với Nga trong vấn đề khí đốt sẽ gặp nhiều thách thức nếu 2 nước vẫn còn bất đồng quan điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận