Nước Mỹ chịu thiệt ra sao với quy định thuế nhôm, thép mới?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 03/03/2018 15:14

Những nước chịu ảnh hưởng có thể sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế vào hàng Mỹ

 

mytheptoptenmedia_ptwa

Ảnh: Top Ten Media

Đã từ lâu, các công ty thép và nhôm của Mỹ không ngừng phàn nàn về việc họ phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài, đặc biệt phải kể đến các doanh nghiệp Trung Quốc vốn được hưởng nhiều trợ cấp từ chính phủ. 

Theo quan điểm của họ, những sự cạnh tranh không công bằng như vậy sẽ khiến thị trường thế giới ngập các sản phẩm kim loại, giá cả chung sẽ hạ xuống và gây thiệt hại cho ngành sản xuất Mỹ. 

Bằng nhiều cách khác nhau, các quan chức thương mại Mỹ đã tìm cách sửa luật để có lợi hơn cho các công ty nội địa, ví như chính quyền của Tổng thống Bush vào năm 2002 đã áp thuế thép lên đến 30%, thế nhưng phạm vi áp dụng của luật khi đó hẹp hơn nhiều so với hiện nay.

Chính quyền của Tổng thống Trump trong khi đó đưa ra các quy định thuế chặt chẽ hơn nhiều, dựa trên các quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia – điều thứ 232 của bộ luật được thông qua trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo chính quyền của Tổng thống Trump, hoạt động sản xuất kim loại nội địa Mỹ chịu nhiều thiệt hại, nước Mỹ dễ chịu tổn thương trong bối cảnh có những xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại.

Trước khi luật được thông qua, đã có không ít các nỗ lực để thuyết phục Tổng thống Donald Trump loại bỏ sản phẩm kim loại của các nước đồng minh ra khỏi quy định chịu thuế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis, đã cảnh báo các biện pháp đánh thuế nên được tính toán để không làm tổn hại mối quan hệ với các nước đồng minh, tuy nhiên dường như Tổng thống không lắng nghe. 

Ai được, ai mất?

Rõ ràng, người được lớn nhất khi chính phủ Mỹ áp thuế cao đối với nhôm, thép nhập khẩu chính là các công ty trong ngành sản xuất nhôm, thép của Mỹ. Đã nhiều năm họ không ngừng chi tiền vận động hành lang để chính phủ thông qua các biện pháp cứng rắn như vậy. 

Thế nhưng, bên cạnh đó có quá nhiều bên phải chịu thiệt. Đó là những ngành sản xuất có nhôm, thép là nguyên liệu đầu vào. Họ sẽ phải chấp nhận chi phí sản xuất tăng cao hơn. Có thể kể đến một loạt ngành rất quan trọng của nước Mỹ như ngành ô tô, ngành công nghiệp hàng không, ngành sản xuất thiết bị và xây dựng. 

Tóm gọn lại cho dễ hiểu, với thuế mới mà Tổng thống Trump áp dụng, ô tô Ford, ủi đất Caterpillar, cánh máy bay Boeing, hệ thống dầm nhà của các tòa nhà chọc trời ở New York đều sẽ đắt đỏ hơn. 

Sau thông báo mới nhất về thuế của Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức có sự phân hóa. Cổ phiếu của công ty thép Mỹ US Steel và công ty nhôm Mỹ Century Aluminum tăng đến 7%, trong khi đó cổ phiếu của Ford, Caterpillar và Boeing giảm 3%.

Tính trong tổng quan kinh tế Mỹ, nhóm các ngành sử dụng nhôm, thép làm nguyên liệu đầu vào nhiều hơn rất nhiều so với số lượng những công ty nhôm, thép. Tính toán của Giáo sư Lydia Cox thuộc đại học Harvard và Giáo sư Kadee Russ thuộc đại học University of California cho thấy, hiện nay nhóm những ngành sử dụng thép hiện đang tuyển dụng số lượng lao động cao gấp 80 lần so với tổng số lao động ngành thép.

Người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt ra sao?

Câu trả lời đơn giản nhất sẽ là những mặt hàng có sử dụng kim loại làm nguyên liệu đầu vào sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Thế nhưng giá cả của phần lớn các loại mặt hàng sẽ không tăng quá nhanh.

Thứ nhất, chỉ 1/3 lượng thép tại nội địa Mỹ được nhập khẩu trong khi đối với nhôm, đến 90% đến từ nguồn nhập khẩu. 

Chính vì vậy, khi đánh thuế thép, chỉ một số các mặt hàng lên giá. Tuy nhiên người tiêu dùng Mỹ thông thường không mấy khi mua thép thô hoặc nhôm. Người tiêu dùng mua ô tô, nhưng thép với nhôm cũng chẳng phải nguyên liệu duy nhất mà cấu thành nên chiếc ô tô đó và còn rất nhiều thành phần khác.

Còn với các sản phẩm tiêu dùng thông thường, hiện chưa thể hiểu các nhà sản xuất sẽ cân đối chi phí đó như thế nào. Ví dụ bạn thích uống bia, khi giá nhôm tăng, chưa thể biết chắc các nhà sản xuất sẽ chịu chi phí đó hoặc chia đều chi phí sản xuất lon với khách hàng bằng cách tăng giá bia. 

Luật thuế mới có ý nghĩa gì với kinh tế Mỹ?

Hiện tại, kinh tế Mỹ tăng trưởng khá mạnh và khá vững chắc với các cú sốc. Các công ty Mỹ hoàn toàn có khả năng điều chỉnh lại nguồn cung nhằm giảm thiểu rủi ro sản xuất bị gián đoạn bởi các luật thuế kiểu như thế này. 

Quy định thuế mới sẽ có thể tạo ra thêm việc làm trong ngành sản xuất nhôm, thép nhưng cùng lúc đó sẽ có thể khiến nhiều người làm trong các ngành khác với nhôm, thép là nguyên liệu đầu vào mất việc. Tuy nhiên kinh tế Mỹ có quy mô lớn, nên có thể giải quyết tốt các hậu quả mà quy định thuế mới tạo ra. 

Thế nhưng, nói vậy không có nghĩa nước Mỹ không chịu thiệt hại gì. Những nước chịu ảnh hưởng có thể sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế vào hàng Mỹ, và họ sẽ chọn những mặt hàng mà mức thuế suất cao hơn sẽ gây ra nhiều hậu quả kinh tế và chính trị. 

Các nhà xuất khẩu Mỹ cần phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho việc dù họ bán máy bay hay bán đậu tương, họ cũng sẽ phải hứng chịu hậu quả. Một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện chắc chắn không có lợi cho gần như tất cả các bên.

Việc chính quyền của Tổng thống Trump viện dẫn lý do an ninh quốc gia nhằm đánh thuế nhôm, thép sẽ có thể tạo ra tiền lệ xấu khi mà sau này, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sẵn sàng sử dụng lý do an ninh quốc gia để bảo vệ hàng hóa của họ, điều này sẽ khiến cho khả năng dàn xếp tranh chấp thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) yếu đi.

Ý kiến của bạn

Bình luận