Bầu không khí ô nhiễm tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ. Ảnh: REUTERS |
Đó là kết luận được Tổ chức Tư vấn y tế công Vital Strategies (Mỹ) đưa ra hôm 28-3, dựa trên phân tích hơn nửa triệu bài báo và bài viết trên mạng xã hội về ô nhiễm môi trường tại 11 nước tại khu vực trong giai đoạn 2015-2018.
"Chúng tôi thấy rất nhiều nội dung về ô nhiễm không khí, gắn kết nó với môi trường, biến đổi khí hậu hoặc nạn phá rừng nhưng không thấy đề cập nhiều đến vấn đề sức khỏe" - bà Aanchal Mehta, tác giả chính của báo cáo, cho biết. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó có 1,5 triệu trường hợp ở Nam Á và Đông Nam Á.
Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế cho biết tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe có liên quan đến đột quỵ, ung thư phổi, bệnh tim mạch. Giờ đây, ô nhiễm không khí còn bị xem là có tác hại không kém gì hút thuốc lá. Bà Mehta cho rằng tại phần lớn quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, khí thải từ phương tiện giao thông không phải là nguyên nhân lớn nhất và duy nhất làm không khí ô nhiễm. Các nguồn gây ô nhiễm khác là nhà máy nhiệt điện, công trường xây dựng, pháo hoa, cháy rừng…
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Mehta, chính phủ các nước cần có thêm nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro dài hạn liên quan đến ô nhiễm không khí.
Trong động thái bảo vệ môi trường, Nghị viện châu Âu hôm 27-3 thông qua lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như ống hút, nĩa, dao, tăm bông… Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực vào năm 2021. Chính những lo ngại ngày càng tăng về ô nhiễm đại dương, trong đó 85% rác thải là đồ nhựa và việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác thải từ Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy khối này thực hiện các bước đi quyết liệt để bảo vệ môi trường.
Hãng tin Reuters nhận định các quốc gia EU có thể chọn biện pháp hạn chế đồ nhựa riêng ở từng nước, song song đó đặt mục tiêu thu thập và tái chế ít nhất 90% chai nhựa nước giải khát vào năm 2029.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.