Ô nhiễm không khí gây nguy hại cho sức khỏe. |
Nhận biết đúng chất lượng không khí nguy hại
Chỉ số chất lượng không khí (AQI - ứng dụng Air Quality Index đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200.
Theo ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết, không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiếp xúc như mắt, cơ quan hô hấp, da… Qua việc tiếp xúc với chất ô nhiễm, sẽ làm thấm nhiễm vào trong máu, vào các cơ quan cơ thể, gây ra những bệnh lâu dài.
Ông Hải phân tích thêm, ô nhiễm không khí là tình trạng các chất lạ xuất hiện trong không khí. Nhưng hiện nay, mọi người mới chỉ quan tâm phần vật lý, tức là kích thước hạt bị ảnh hưởng trong không khí, nhưng tính chất của ô nhiễm không khí hoàn toàn khác nhau.
“Ở miền núi hay có những màn sương, chất lượng không khí không tốt nhưng không ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, ở những khu công nghiệp, màn sương bụi hoàn toàn khác, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở môi trường bệnh viện cũng mang tính chất hoàn toàn khác, vì phải xem trong hạt bụi có vấn đề vi sinh không. Vì thế, phải kiểm soát hạt bụi mang chất ô nhiễm nào mới có sự lo lắng và tìm giải pháp phù hợp”, ông Hải nói.
Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế chia sẻ thông tin về nhận biết đúng chất lượng không khí nguy hại.
Cũng theo ông Hải, để hạn chế được việc bị ảnh hưởng sức khỏe bởi sự ô nhiễm không khí trong những ngày này, người dân cần chọn khẩu trang bảo đảm yếu tố kín khít, giúp giá trị ngăn ngừa hạt bụi cao. Khi về nhà, cũng nên rửa mặt, rửa mũi để giảm thời gian hạt bụi tiếp xúc trên đường hô hấp và trên da.
Trong môi trường bệnh viện, khi phát sinh bụi, ngoài tính chất hạt bụi ảnh hưởng sức khỏe còn lan truyền những mầm bệnh. Vì thế, trong bệnh viện khi có tình trạng ô nhiễm không khí thì các bệnh viện cần phải có kế hoạch riêng, phòng ngừa sự lan truyền của bệnh tật thông qua không khí. Người già và trẻ em là những đối tượng nhạy cảm trong những ngày không khí bị ô nhiễm như thế này.
Đối tượng dễ bị tác động nhất
BS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày không khí bị ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe, những người mắc bệnh phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
“Đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng kém, khi niêm mạc đường hô hấp hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí cũng rất dễ làm tổn thương niêm mạc. Do đó, trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp”, BS Dũng cho hay.
Ô nhiễm không khí không những ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn tác động tới quá trình điều trị của các bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị.
Theo ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…
“Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong. Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch, viêm da, kích ứng da, căng thẳng thần kinh…”, ông Cường cho hay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mắc bệnh khi sống trong môi trường bị ô nhiễm vì mỗi người có hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể.
Để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần phải nắm được thông tin về mức an toàn trong không khí để có kế hoạch phòng vệ cho bản thân. Trong những ngày ô nhiễm không khí nguy hại, người dân nên hạn chế ra đường.
Khi đi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí. Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi.
Để ngăn được bụi PM 2.5, chuyên gia khuyến cáo cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 để sử dụng khi ra đường. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.