Chất lượng không khí tồi tệ đến mức được ví với việc phải hút tới 50 điếu thuốc mỗi ngày. |
Theo tờ The Gurardian, New Delhi đã trở thành thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm nặng nề đang trở thành mối nguy hiểm rất lớn cho sức khỏe người dân. Các bác sỹ và chuyên gia y tế đều đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp.
Trang Reuters đưa tin, đã có hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nhập viện tại New Delhi trong những ngày qua.
Đây là lần ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao kỷ lục, thậm chí vượt ngưỡng đo lường của các công cụ đo chất lượng không khí hiện nay. Air Quality Index là chỉ số đo lường chất lượng không khí, tập trung đánh giá chất ô nhiễm và các hạt bụi nhỏ 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn trong không khí.
Các nhà khoa học môi trường xác nhận, chỉ số này đã chạm ngưỡng giá trị 999, một con số vô cùng khủng khiếp. Theo tiêu chuẩn Mỹ, chất lượng không khí bắt đầu trở nên "nguy hiểm" từ 300. Giá trị này càng cao, không khí càng độc hại.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề tại New Delhi, Ấn Độ xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và do điều kiện thời tiết.
Trong nhiều ngày qua, thời tiết đã bắt đầu trở lạnh, lặng gió và không có mưa tại vùng phía Bắc và Đông của dãy Himalaya. Và thủ đô New Delhi nằm ở thung lũng nối với dãy Himalaya ở phía Bắc và Đông. Do đó không khí lạnh có thể tràn xuống và nén lớp không khí trong thành phố lại, không cho thoát ra ngoài khí quyển.
Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ tình trạng đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch tại các bang lân cận, các nhà máy và khí thải từ ôtô.
Sương mù và khí thải bủa vậy khiến tầm nhìn trong thành phố trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Theo hãng hàng không United Airlines, đã có nhiều chuyến bay tới Delhi bị hủy trong ba ngày từ 9-11/11 do tình trạng ô nhiễm không khí gây ra.
Tuy nhiên, tình trạng trên có thể sớm kết thúc khi một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Vịnh Belgal, Ấn Độ đang di chuyến hướng lên phía Tây Bắc. Sự xuất hiện của bão nhiệt đới được kỳ vọng sẽ thay đổi luồng khí quyền và làm sạch bầu không khí tại thành phố.
Chuyên gia khí tượng học Jasson Nicholls nhận định: "Phải có ít nhất 6 cơn bão đủ mạnh để giải tỏa tình trạng khói mù ở miền Bắc Ấn Độ vào mùa đông. Và chúng thường chỉ có tác dụng trong 1 tới 2 ngày. Phải chờ tới mùa xuân, khói mù dai dẳng mới có thể chấm dứt".
Hiện tại, chính quyền thành phố New Delhi đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu nguy cơ sương mù dày đặc cho người dân và du khách. Thành phố đang lên kế hoạch xịt nước trên toàn thành phố để giảm lượng bụi độc hại trong không khí.
Shruti Bhardwaj, quan chức Bộ môi trường Ấn Độ, đồng thời phụ trách giám sát chất lượng không khí chia sẻ với tờ Reuters: "Tưới nước là cách duy nhất để giảm mức độ ô nhiễm nguy hiểm".
Tuy nhiên, các nhà khí tượng học tại AccuWeather quan ngại, hành động này có thể dẫn tới mưa axit và ô nhiễm nguồn nước.
Thống kê cho thấy, 92% dân số thế giới hiện nay đang sống trong các khu vực có chất lượng không khí thấp hơn mức tiêu chuẩn. Ô nhiễm không khí đang là nguyên nhân dẫn tới 88% số ca tư vong sớm tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ô nhiễm không có thể ảnh hưởng tới ngay cả một đứa trẻ chưa thành hình trong dạ con. Trong khi đó, một người trưởng thành cần thở khoảng 6 lít không khí/phút và lên tới 20 lít/phút khi hoạt động thể lực. Việc hít phải không khí ô nhiễm có thể gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt là bệnh hô hấp, huyết khối, cao huyết áp, đột quỵ, thiếu máu não hay thoái hóa thần kinh. Các chất độc trong không khí còn có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim hoặc dễ khiến phụ nữ xảy thay và nhiều biến chứng khác.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.