Ô tô Ấn Độ 146 triệu, Indonesia 266 triệu về Việt Nam

Thị trường 28/11/2016 14:30

Giá nhập cảng (giá CIF, chưa bao gồm thuế, phí tại Việt Nam) bình quân mỗi chiếc xe nhập từ Ấn Độ có giá chỉ vào 146 triệu đồng,Indonesia 266 triệu đồng..

 

nhap-khau-to-to-ba7a_chfr
 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2016 Việt Nam chi 1,9 tỷ USD nhập 86.858 ô tô nguyên chiếc từ 12 quốc gia trên thế giới.

Bình quân mỗi chiếc xe nhập về Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 vào khoảng gần 500 triệu đồng (giá CIF, chưa bao gồm thuế, phí tại Việt Nam), thấp hơn so với các năm trước.

Không chiếm lĩnh ngôi đầu về số lượng, những chiếc ô tô Ấn Độ đang dẫn đầu bảng về mức giá khá "bèo" với 146 triệu đồng (giá bình quân nhập cảng, chưa bao gồm thuế, phí tại Việt Nam).

Tiếp đến là xe Indonesia với mức giá bình quân vào khoảng 266 triệu đồng. Các dòng xe nhập từ Thái Lan cũng có mức giá "dễ thở" vào khoảng hơn 400 triệu đồng...

Nhìn vào số liệu nhập khẩu ô tô trong 10 tháng đầu năm 2016 có thể thấy, những nước có ưu thế về dòng xe giá rẻ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia... đang dẫn đầu về lượng ô tô xuất khẩu vào Việt Nam.

Nếu chỉ tính riêng Thái Lan, lượng xe nhập khẩu từ quốc gia này đã đạt con số khá với ấn tượng với 26.790 chiếc. Tức là trung bình cứ 3 ôtô nguyên chiếc nhập vào Việt Nam thì có 1 xe đến từ Thái.

Tiếp theo phải kể tới Ấn Độ với 13.437 chiếc, vượt qua Nhật Bản hay Trung Quốc - quốc gia từng có lượng xe xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam năm 2015.

Hiện lượng xe nhập khẩu từ Indonesia chưa phải quá lớn, với 3.387 chiếc 10 tháng đầu năm. Song nếu so với những năm trước đây thì tăng lên đáng kể. Nhiều chuyên gia dự báo tương lai sẽ tăng mạnh, nhất là phân khúc 7 chỗ, lắp động cơ nhỏ dưới 2.0L, do có nhiều lợi thế về thuế...

Nhận định về xu hướng dịch chuyển trên, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô tại Hà Nội cho biết: Hiện nay, do thị trường điều chỉnh nên các hãng quay sang nhập khẩu lượng lớn xe nhỏ giá rẻ. Các liên doanh cũng đổ xô sang nhập khẩu xe giá rẻ và giảm lắp ráp những dòng xe nhỏ trong nước.

Ô tô ngoại giá rẻ tràn vào, ô tô Việt Nam sẽ ra sao?

Chỉ còn hơn 1 năm (từ năm 2018), ô tô nhập từ ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với thuế 0% theo lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA.

Mặc chưa gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan song nhìn vào lượng ô tô nhập khẩu từ trong 10 tháng đầu năm 2016 thì viễn cảnh ngập tràn xe có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia... là hoàn toàn có thể xảy ra. Và câu hỏi được nhiều người đặt ra song song đó là, ô tô "nội" sẽ đi về đâu?

Muốn phát triển thành công ngành công nghiệp ô tô, phải tạo ra được những chiếc xe có chất lượng tốt và giá cạnh tranh với xe nhập khẩu. Trên thực tế, công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt được mục tiêu cả về tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước. 

Báo cáo của Bộ Công thương chỉ rõ: ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ôtô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Riêng về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%...

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 14 về hướng đi cho ngành công nghiệp ô tô thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ cố gắng tập trung ưu tiên bằng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, với những dự án có quy mô, tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa, tập trung phát triển vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian không còn nhiều, vấn đề đặt ra là làm sao xây dựng dựng chính sách, thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển, để tiến tới các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với xe nhập khẩu và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Ý kiến của bạn

Bình luận