Tai nạn đường ngang hàng năm đang gây thiệt hại lớn. |
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn (Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, theo quy định tại luật Giao thông đường bộ, đường sắt là đường dùng riêng, nhưng do đặc thù giao thông ở nước ta có nhiều đường ngang giao cắt nên các phương tiện cơ giới đi qua phải quan sát và nhường đường.
Ông Chiến giải thích, sở dĩ phải nhường vì tàu chạy với tốc độ cao, để phanh lại, lái tàu phải nhận được hiệu lệnh cách điểm dừng khoảng 800m.
Điều này cũng lý giải trong trường hợp lái tàu thấy xe ô tô băng qua đường ray cách tàu vài trăm mét cũng không thể phanh dừng kịp.
Không nhận được bồi thường
Theo ông Chiến, nhiều vụ tai nạn do lái xe cơ giới khi qua đường sắt bất cẩn, không quan sát nên bị tàu hỏa đâm vào gây nên tai nạn thảm khốc. Đa số những vụ tai nạn này lỗi là do người điều khiển xe cơ giới, nhưng ngành đường sắt hầu như không bao giờ nhận được bồi thường.
Mới đây, hôm 3/9, tại lối đi dân sinh km491 +837 (Bố Trạch, Quảng Bình), lái máy xúc do không quan sát đã băng qua đường ngang đúng lúc tàu SE3 đi tới.
Vụ tai nạn khiến lái tàu và phụ lái bị thương, đầu máy tàu hỏa văng ra khỏi đường sắt, 3 toa xe trật bánh hỏng nặng, gần 70m đường sắt bị hư hỏng... Ước tính thiệt hại đối với ngành đường sắt là hơn 30 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề là vậy, nhưng việc yêu cầu bồi thường rất khó do lái máy xúc không thể lấy đâu ra 30 tỷ đồng, dù Tổng công ty đã yêu cầu Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trưởng Ban An ninh - an toàn đường sắt cũng chia sẻ thêm, đã có không ít vụ tai nạn lái xe tải đâm vào tàu hỏa gây thiệt hại nặng cả về người và vật chất, nhưng ngay cả khoản bồi thường cho lái tàu bị thương, ngành đường sắt cũng không nhận được.
Điển hình là vụ tai nạn giữa tàu hỏa TN6 và ô tô tải chở đá dăm BKS 90T-6816 tại Km 50+306 (Duy Tiên, Hà Nam) xảy ra từ tháng 11/2010. Vụ tai nạn khiến cả hai lái tàu đều bị thương, trong đó lái tàu Trương Xuân Thức bị thương nặng và bị kẹt trong ca bin, sau gần hai giờ lực lượng cứu hộ mới giải cứu được để đưa đi cấp cứu, phụ lái tàu Đào Công Hưng bị thương nhẹ...
Ngày 18/2/2011, TAND huyện Duy Tiên tuyên phạt Đinh Xuân Lâm, lái xe 3 năm tù giam, buộc Công ty CP Xuân Hà Lâm (chủ xe ô tô) phải bồi thường cho lái tàu Trương Xuân Thức 38,6 triệu đồng, cho Tổng công ty đường sắt VN hơn 1,3 tỷ đồng.
Nhưng cho đến nay, Tổng công ty Đường sắt vẫn chưa nhận được một đồng nào và thậm chí số tiền 38,6 triệu đồng lái Trương Xuân Thức cũng không nhận được.
Ông Chiến cho biết, đối với trường hợp lái tàu Thức, do không nhận được bồi thường nên gánh nặng cho gia đinh là rất lớn. Tổng công ty đã phải dùng quỹ công đoàn để hỗ trợ lái tàu.
Gánh nặng lớn cho ngành
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng UB ATGT quốc gia đánh giá, tai nạn đường ngang đang là gánh nặng lớn cho ngành đường sắt cả về người và vật chất.
Nhiều vụ tai nạn ngành đường sắt thiệt hại nặng nhưng lại rất khó khăn trong việc nhận bồi thường do người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện không có khả năng chi trả.
Để giảm thiểu thiệt hại từ rủi ro tai nạn, ông Thái cho rằng, ngành đường sắt nên mua bảo hiểm để được chia sẻ.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, gần đây các công ty vận tải đường sắt đã mua bảo hiểm cho toa xe để đề phòng khi có tai nạn xảy ra được bảo hiểm đền bù nhằm giảm bớt thiệt hại.
Riêng với đầu máy, Tổng công ty cũng đang tính toán phương án và sắp tới có thể mua bảo hiểm để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về công trình đường sắt hiện nay, ông Hoạch thừa nhận chưa có phương thức để mua bảo hiểm. Tổng công ty đang tìm phương án để có thể mua bảo hiểm nhưng việc này cũng rất khó khăn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.