Ô tô điện có thực sự tốt như Thế giới xe đang ca tụng?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Sản phẩm 30/09/2019 16:00

Dù sở hữu nhiều đặc tính vượt trội và được cho là thân thiện với môi trường hơn, nhưng trên thực tế xe điện vẫn sẽ dẫn tới những vấn đề mới cho Thế giới.

xedoisong_xe_dien_porsche_taycan_2020_h1_gdmw

 Porsche Taycan là mẫu xe điện mới gia nhập thị trường

Cả thế giới đang xoay vần bởi cơn bão xe điện – loại phương tiện được kỳ vòng sẽ trở thành cứu tinh cho vấn đề môi trường đang ngày càng tồi tệ ở thời điểm hiện tại. Với hàng loạt điểm ưu việt, từ việc không gây phát thải, ít tiếng ồn cho tới khả năng bứt tốc cực tốt, EV chính là ứng viên số một để thay thế cho những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong. Không những vậy, loại xe này còn được cho là sẽ có mức giá thấp hơn so với ICE trong thời gian tới.

Nói chung, xe điện đang gắn liền với những gì tốt đẹp nhất và khiến cho những ai mới nghe qua có thể bị thuyết phục một cách dễ dàng. Cũng phải nói rằng kể từ khi công nghệ EV bùng nổ, đã có rất nhiều siêu xe chạy điện ra đời. Một vài trong số đó thậm chí còn được coi là bậc đế vương trong làng siêu xe bởi hiệu năng quá đỗi khủng khiếp. Điển hình như Battista của Automobili Pininfarina. Đó là một minh chứng hết sức thuyết phục để chứng minh rằng công nghệ EV hoàn toàn vượt trội so với ICE. 

 Đích thân Anand Mahindra, chủ tịch của tập đoàn Mahindra – chủ sở hữu của Automobili Pininfarina cũng đã thừa nhận rằng chi phí cần thiết để tạo nên một siêu xe ngang tầm với Chiron sẽ giảm đi nếu dựa vào công nghệ xe điện. Điều này không quá khó hiểu, nếu chỉ nhìn vào việc một chiếc EV có ít thành phần chuyển động hơn ICE. Qua đó, khâu sản xuất cũng như bảo trì về sau cũng trở nên nhẹ nhàng và ít tốn kém hơn. Chưa nói đến giá cả cũng như các yếu tố khác, chỉ riêng điều này cũng đã khiến cho EV trở nên vô cùng hấp dẫn. 

Tất nhiên, sự ưu việt của EV không phải là những lời nói suông mà đã được kiểm chứng từ rất lâu. Nhưng không vì thế mà EV là một hướng đi hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Bởi lẽ, công nghệ này cũng kéo theo không ít quan ngại đối với giới quan sát. Họ nhận thấy không ít nguy cơ tiềm tàng mà công nghệ này có thể mang đến cho đời sống kinh tế xã hội. Mà đáng nói hơn, những điều này thường bị che đậy lại, còn người tiêu dùng thì bị che mắt một cách tài tình. Vậy những nguy cơ đó là gì?

1. Thảm họa kinh tế

 

xedoisong_ev_1_hdqk

 Theo nghiên cứu của liên đoàn ô tô Đức và viện Ifo, nếu như ICE bị bức tử bởi EV, sẽ có ít nhất nửa triệu công nhân tại quốc gia này bị mất việc. Đây là chưa kể một số lượng không nhỏ những người khác đang kiếm sống bằng những công việc liên quan đến xe hơi truyền thống. Nếu điều đó xảy ra, chỉ các nhà sản xuất ô tô là hưởng lợi, thậm chí là lợi hơn bao giờ hết. Vì họ vẫn có thể hoạt động như bình thường nhưng nguồn kinh phí dành cho nhân lực được cắt giảm đáng kể. Chỉ có điều họ phải thực hiện quá trình chuyển dịch một cách từ từ chứ không thể đột ngột như bật công tắc. 

Nhưng về phần những con người bị ảnh hưởng, cả gián tiếp và trực tiếp, nguồn nhân lực này sẽ ra sao? Câu trả lời không mấy dễ chịu bởi họ có là nạn nhân, góp phần tạo nên một cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Một khi mất việc, họ buộc phải tìm công việc khác. Nhưng chắc chắn, không phải ai cũng có may mắn đó. Và nếu không có việc, họ sẽ trở thành gánh nặng, kéo theo rất nhiều hệ lụy.

 

 Tác động của sự chuyển dịch này chưa thể được xác định một cách chính xác. Nhưng chúng ta có thể nhìn vào ví dụ sau đây. Đó là khi bóng đèn điện – một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người thế chỗ cho đèn đốt dầu, khí cổ lỗ. Khi đó, vẫn có một lớp người chuyên làm nghề tiếp nhiên liệu để những cây đèn này luôn tỏa sáng. Nhưng khi bóng đèn điện xuất hiện, họ ngay lập tức thất nghiệp.

Kéo theo đó là sự diệt vong của các công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất bởi sản phẩm của họ không còn ý nghĩa như trước. Xin nhắc lại rằng, ở thời kỳ đó, dân số thế giới mới chỉ khoảng 1 tỷ người. Nói đến đây, chắc hẳn nhiều người đã nhận ra vấn đề nghiêm trọng đến mức nào khi sự chuyển dịch từ ICE sang EV bắt đầu.

2. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa tương xứng

 

Nếu như xe ICE chạy bằng xăng thì EV hoạt động bằng điện. Thế nhưng, số lượng ‘cây xăng’ dành cho xe điện vẫn còn rất hạn chế dù cho đã gia tăng đáng kể về số lượng nhờ nhiều nhà đầu tư. Đó mới chỉ là một vấn đề bởi còn có một vấn đề khác nhức nhối hơn. Có một câu hỏi được đặt ra là nếu EV bùng nổ thì cần bao nhiêu điện để phục vụ chúng? Nếu trở thành ‘trend’ như điện thoại thông minh trong vòng 10 năm qua, không ngạc nhiên khi đội quân xe điện trên toàn cầu đủ sức cán mốc vài trăm triệu. 

Vào cuối năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập đã quyết định đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Tất, nhiên, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên nhưng có thể dẫn tới hiện tượng thiếu điện tại nhiều bang ở một quốc gia phát triển như Mỹ. Chỉ riêng tại Texas, sản lượng điện cần tăng thêm 30% mới mong đáp ứng đủ nhu cầu khi hầu hết người dân tại đây chuyển sang dùng xe điện. Đặc biệt, hiện tượng sụt điện là khó tránh khỏi nếu như số lượng EV sạc điện tăng đột biến. 

Không cần phải nói, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng chi phí để nâng cao sản lượng điện nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ đó cũng là vô cùng tốn kém. Đấy là chưa kể nếu các quốc gia xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện để thực hiện điều này, tính xanh của EV có thể bị biến mất bởi những nhà máy này sẽ làm gia tăng đáng kể lượng CO2 ra môi trường. 

3. Thiếu tự tin, thoải mái

Với sự phát triển của công nghệ pin, người dùng EV hiện nay đã vơi đi nỗi lo về phạm vi di chuyển. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất còn tuyên bố những chiếc xe điện của họ có thể chạy liên tục 500-600km sau mỗi lần nạp đầy năng lượng. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là con số mang tính lý thuyết và có thể giảm đi tùy theo điều kiện vận hành. Hơn nữa, mạng lưới các trạm sạc chưa được xây dựng đầy đủ để có thể tiếp đạn mọi nơi mọi lúc. Vào năm 2015, một chủ xe Tesla Model S phiên bản P85D tại Đức đã đưa chiếc xe của mình lên cao tốc Autobahn nổi tiếng để xem mình di chuyển được bao xa khi chạy ở vận tốc 162km/h.

Kết quả khá bất ngờ khi chiếc xe chỉ chạy được 181km, thấp hơn rất nhiều so với những con số mà nhà sản xuất công bố. Theo tìm hiểu, Tesla Model S P85D có tầm hoạt động 407km theo chuẩn EPA của Mỹ và 480km theo chuẩn NEDC của châu Âu. Trong khi đó, một chiếc Audi máy dầu 2,0 lít có thể đi được 500km ở vận tốc đó. Có thể thấy, hiệu suất của EV giảm đi đáng kể khi tăng ga hoặc chạy ở tốc độ cao. 

Nói chung là xe điện vẫn khiến người dùng ám ảnh vì khoảng cách di chuyển khá hạn chế. Và nếu quá lo lắng về việc chiếc xe có thể chết cứng trên đường vì hết điện, người dùng sẽ không thể tận hưởng chuyến đi một cách thoải mái. Điều này chỉ có thể khắc phục khi các nhà sản xuất nâng cao hiệu suất của động cơ điện cũng như nâng cao mật độ năng lượng cho các cell-pin để mang được nhiều điện năng hơn trong mỗi chuyến đi. 

Kết luận

Không thể phủ nhận những ưu điểm của xe điện. Công nghệ này không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề môi trường và đem đến những trải nghiệm mới mẻ và đầy thú vị cho người tiêu dùng. Thế nhưng, sự chuyển dịch sang EV có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường mà nếu không có những sự chuẩn bị chu đáo, thảm họa sẽ là khó tránh khỏi.

Như đã nói ở trên, sự chuyển dịch này sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống chứ không chỉ riêng ngành công nghiệp ô tô thế giới. Thế nên, sẽ không có chuyện điều đó sớm xảy ra, nhất là khi người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến EV. Mong rằng xe điện sẽ là một đột phá đúng nghĩa chứ không phải là sai lầm thế kỷ của nhân loại. 

Ý kiến của bạn

Bình luận