Kiểu dáng bắt mắt, lại được quảng cáo sử dụng động cơ của các hãng Mỹ, Nhật, Đức, cuộc xâm nhập lần thứ 2 của các hãng xe hơi Trung Quốc vào Việt Nam đã, đang bắt đầu. Lần này các hãng xe Trung Quốc sử dụng phương cách hoàn toàn khác, không bắt tay liên doanh tại Việt Nam mà nhập nhiều mẫu nguyên chiếc với mẫu mã rất đẹp, nhằm thuyết phục một lần nữa người Việt mua xe Trung Quốc.
Tuy nhiên, bài học cũ, vết thương lòng về những chiếc xe giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc còn để lại cho nhiều người Việt Nam những kinh nghiệm xương máu, không quên.
Cuộc xâm nhập lần 2: Xe Tàu khoác máy Nhật, Đức
Hai năm trở lại đây, thay vì xu hướng xe Trung Quốc liên doanh với các hãng tại Việt Nam như trước đây thì xe Trung Quốc được nhập về nhiều. Các thương hiệu như Baic, Haima, Zotye, Geely... đã đẩy vào Việt Nam rất nhiều mẫu xe 4 chỗ, 7 chỗ hay xe suv mới toanh. Các loại xe này có mẫu mã cực kỳ bắt mắt mà giá chỉ bằng 1/3 mức giá xe của Hàn, Nhật đồng thời có các options đầy đủ, thỏa mãn cho dân chơi xe.
Kỳ vọng vào thị trường xe giá rẻ vốn rất tiềm năng nên không ít công ty đã mạnh tay đổ tiền tỷ vào xây dựng showroom tại các đô thị, phát triển hệ thống phân phối cũng như làm truyền thông, quảng bá về những ưu điểm của loại xe này. Họ cũng nỗ lực tìm cách xóa đi ấn tượng về "chất lượng hàng Trung Quốc" hay ám ảnh từ xe máy Trung Quốc để lại.
Tuy nhiên, nỗ lực và thành công không hẳn là câu chuyện nhân quả bởi sau khi sự rút chạy âm thầm của hàng loạt liên doanh xe hơi Trung Quốc tại Việt Nam, họ đã để lại vết thương lòng và "bài học xương máu" cho nhiều người có ý định mua xe Trung Quốc mới.
Điều dễ nhận thấy là sau khi thất bại từ chủ trương liên doanh hóa xe Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều hãng xe Trung Quốc không dám đánh ván cờ tất tay, và xâm nhập ồ ạt vào Việt Nam như trước. Họ chỉ dám nhập khẩu nhỏ giọt một số mẫu xe nguyên chiếc và cũng chỉ qua một vài DN phân phối xe để thử thị trường. Đến nỗi, hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của riêng từng hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam cũng không có, mà hầu hết DN là phân phối xe Trung Quốc phải tự mở cửa hàng bảo hành, bảo dưỡng.
Nhiều người trong nghề ví von, kiểu xâm nhập của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay không khác gì kiểu "kinh doanh tạp hoá". Kiểu bán tất các loại xe mà quên đi chương trình hậu bán hàng, điều vốn rất quan trọng với người mua xe hơi tại Việt Nam.
Ông Phạm Thanh Quyết, chủ một DN nhập khẩu ôtô trên đường Tố Hữu, Hà Nội cho hay: "Khách bỏ vài trăm triệu đồng mua ô tô đều trông chờ chính sách hậu mãi, bảo hành, bảo dưỡng xe. Xe ô tô khác với xe máy, xe đạp, các hãng xe, đời xe và loại xe đều có thiết bị điện tử cực kỳ phức tạp, cấu tạo phần mềm khác nhau và các hãng thường giữ bí mật công nghệ, kỹ thuật".
"Do đó, để sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng phải là cơ sở chính hãng, đại lý chính hãng. Việc một cửa hàng bán nhiều loại xe, kiêm luôn bảo dưỡng thì không thể coi là điểm bảo dưỡng chính hãng được", ông Quyết nói.
Nỗi khổ nhà giàu mà mua xe Trung Quốc!
Mua mới một chiếc xe Baic 7 chỗ đời mới 2015 với giá hơn 480 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Bách, Hải Dương đang hết sức lo lắng bởi sau khi thích thú với mẫu xe mới thì cái giá của anh phải trả là cần gạt nước dùng 3 tháng đã cong, vênh không gạt được nước, phải thay mới. Ngoài ra, vỏ xe rất dễ xước và rất mềm. Tháng 6 năm ngoái, khi anh xe đậu dưới gốc bàng, quả bàng già rụng xuống cũng khiến vỏ xe bị móp.
"Có nhiều người hỏi sao có tiền lại đi mua xe Trung Quốc, nhìn thì đẹp đấy nhưng chất lượng tệ lắm. Lúc đó tôi rất tủi, bởi trong suy nghĩ của đa số người Việt, họ vẫn quan niệm hàng Trung Quốc vẫn là hàng rẻ, chất lượng thấp và kỳ thực, đúng như vậy", anh Bách cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.