Một lớp học theo mô hình VNEN. Ảnh: Lan Hạ. |
Phiên thảo luận dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chiều 11/6 có gần 100 đại biểu đăng ký phát biểu, 10 đại biểu bấm nút tranh luận. Nhiều nội dung của dự luật được các đại biểu góp ý kiến, trong đó các vấn đề về học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên, đào tạo giáo viên, sách giáo khoa và các chương trình thí điểm, thực nghiệm...
Phụ huynh không muốn con em làm "chuột bạch"
Đại biểu Dương Minh Tuấn nêu, Khoản 1 Điều 29 dự luật có quy định "Chương trình giáo dục phổ thông phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành". Theo ông, quy định trên mới nghe qua rất nhân văn, rất cần thiết nhưng chưa đủ.
Ông Tuấn cho hay, thời gian qua phụ huynh ở một số địa phương rất dị ứng với việc "thực nghiệm", "thử nghiệm" hay "thí điểm" của ngành giáo dục. Ông nêu thực tế, mô hình trường học mới VNEN thí điểm từ 2012 đến 2015 ở 54 tỉnh, thành với 5.200 trường học và đến nay chưa có tổng kết cụ thể.
Đại biểu Dương Minh Tuấn. Ảnh: Hoàng Phong. |
"Nhưng nhiều phụ huynh làm đơn xin cho con em mình không tiếp tục học mô hình này. Cá biệt có huyện 100% phụ huynh không đồng tình cho con em học và thắc mắc tại sao lại mang con tôi ra làm chuột bạch thí điểm", đại biểu Tuấn nêu.
Theo đại biểu, sau phản ánh của một số địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận việc áp dụng mô hình chưa linh hoạt, chưa phù hợp với điều kiện một số địa phương, việc triển khai nóng vội gây băn khoăn trong dư luận. Để khắc phục, Bộ có công văn yêu cầu các trường khi đảm bảo đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện, đối với trường chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai.
Ông Tuấn nêu băn khoăn, Bộ Giáo dục gọi là "thí điểm" hay "thực nghiệm" tức là triển khai không thành công thì đổi chương trình khác. Nhưng với học sinh không phải là học thử mà chỉ có một cách duy nhất là học thật vì nếu học không được "chẳng lẽ phải ở lại lớp để học chương trình khác". Do đó, đại biểu đề nghị có quy định tỷ lệ số học sinh tối đa tham gia thí điểm.
Học sinh khá, giỏi mà không "đọc thông, viết thạo"
Nêu thực trạng bệnh thành tích trong ngành giáo dục, đại biểu Đặng Xuân Phương cho biết, việc quá coi trọng thành tích, không chú ý thực chất dẫn đến việc các địa phương buộc phải làm ngơ trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Thậm chí, có trường coi việc dạy thêm như một biện pháp để vừa cải thiện thu nhập cho giáo viên, vừa để bổ túc cho những học sinh tuy đạt khá, giỏi mà vẫn không biết đọc thông, viết thạo.
Đại biểu Phương cho rằng, bệnh thành tích, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan đều có liên quan đến vấn đề các nhà giáo thiếu quyền tự chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Đặng Xuân Phương. Ảnh: Hoàng Phong. |
"Mặc dù Điều 10 Luật Giáo dục 2005 có quy định nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng thực tế lại cho thấy có quá nhiều ràng buộc hạn chế nhà giáo hoàn thành vai trò của mình", đại biểu nói. Ông đề nghị dự luật nên có quy định trao quyền cho nhà giáo đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh. Giáo viên nên được phép dạy thêm với những học sinh yếu kém do mình trực tiếp quản lý; không bắt buộc việc dạy thêm với học sinh từ trung bình trở lên.
Theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục là số học sinh mỗi lớp quá đông. Quy định hiện hành cho phép sĩ số lớp tiểu học tối đa là 35 và trung học cơ sở, trung học phổ thông tối đa là 45. Tuy nhiên, thực tế sĩ số học sinh các cấp đều cao hơn quy định rất nhiều, thậm chí có lớp gần 60 em.
Bà dẫn chứng sĩ số học sinh một số nước rất thấp, ví dụ Australia là 23,8 học sinh, Áo là 18,3 học sinh, Mỹ là 21,1 học sinh, Nga là 19,1 học sinh, Indonesia là 23,4 học sinh.
Bà Yến đề nghị nghiên cứu quy định sĩ số học sinh tối đa với từng cấp học vào trong luật nhằm làm cơ sở định hướng đầu tư phát triển trường, lớp và nguồn nhân lực trong thời gian sắp đến.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi sửa đổi Luật Giáo dục lần này, Bộ tiếp cận theo hướng xây dựng một Bộ luật Giáo dục, trong đó Luật Giáo dục quy định những vấn đề có tính nguyên tắc rất căn bản với một tầm nhìn dài. Vấn đề chuyên ngành sẽ được cụ thể hoá bằng các luật như Luật Giáo dục Đại học, sẽ trình đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 12/6.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.