Ông Kim Jong-un sẽ đến Việt Nam sớm hai ngày thăm một số doanh nghiệp

Chính trị 15/02/2019 17:14

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đến Việt Nam sớm hơn 2 ngày, trước Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump để thăm một số khu công nghiệp quan trọng.


 

kim-jong-un-tham-viet-nam-6989-1550199438

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP.

Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc hôm 13/2 dẫn nguồn tin tình báo nước này cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến thăm Việt Nam hai ngày trước hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội và có thể đi thăm một số doanh nghiệp ở miền bắc.

Truyền thông Hàn Quốc nhận định chuyến thăm Việt Nam sẽ là cơ hội để ông Kim thấy được sự phát triển của Việt Nam sau các cải cách kinh tế.

MBC cũng nhận định chuyến thăm và thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để ông Kim thêm lần nữa củng cố vị trí của mình trong con mắt người dân Triều Tiên, và thay đổi hình ảnh như là một nhà lãnh đạo tiến bộ.

Triều Tiên đã nhiều lần cử phái đoàn sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm, theo hãng tin Yonhap. Ví dụ, năm 2012, một đoàn công tác đã đến tỉnh Thái Bình để tham quan cách thức phát triển ở vùng nông thôn.

Trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 13/2 khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo tháng 7 năm ngoái tuyên bố Triều Tiên "có thể phát triển kinh tế thần kỳ như Việt Nam" nếu lãnh đạo Kim Jong-un muốn.

Kênh tài chính CNBC dẫn phân tích của các chuyên gia nhận định xét trên nhiều phương diện, Triều Tiên hiện nay giống Việt Nam của thập niên 80 thế kỷ trước. "Cả hai quốc gia, Triều Tiên hiện nay và Việt Nam trong quá khứ, đều chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc", viện nghiên cứu chính sách Lowy Institute của Australia nhắc lại cuộc chiến biên giới Tây Nam trong những năm 1975-1978 đẩy Việt Nam vào thế bị quốc tế cô lập. 

Và điểm tương đồng lớn nhất là khát vọng cải cách kinh tế của Bình Nhưỡng. Cũng giống như Việt Nam đã làm vào cuối thập niên 80 với chương trình "đổi mới", phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu có động thái cải cách từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. 

"Dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã và đang sẵn sàng thử nghiệm cải cách", chuyên gia Bradley Babson, thành viên hội đồng cố vấn của Viện Kinh Tế Triều Tiên của Mỹ, nhận xét trong một báo cáo.

Trước đó, ngày 5/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018. Sau thượng đỉnh, đàm phán giữa hai bên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân lâm vào bế tắc. Triều Tiên cho rằng Mỹ cần có "những biện pháp tương ứng" để đáp lại những nỗ lực từ phía họ. Trong khi đó, Mỹ muốn Triều Tiên thực hiện các bước đi cụ thể và thực chất hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận