Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam gồm 57 đồng chí |
Sáng nay 9/8, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 502 đại biểu đại diện cho hơn 22.000 hội viên thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.
Tới dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các nhà bão lão thành...
Trước đó, trong 2 ngày họp nội bộ (7 và 8/8), Đại hội đã đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì mới”; 8 năm thực hiện Thông báo kết luận số 221-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả họat động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam"; tập trung thảo luận, xây dựng, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, báo cáo sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội...
Đại hội cũng đã tiến hành bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kì 2015 - 2020. Ban chấp hành khóa X gồm 57 người. Ban Chấp hành cũng đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 người. Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội |
Phát biểu tại Đại hội Lần thứ X Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, dành cho báo chí sự quan tâm sâu sắc, ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển. Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng CNXH hiện nay. Đến nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, diện mạo, số lượng, chất lượng và công nghệ làm báo đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và chất lượng kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí ngày càng được cải thiện. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh, mặt bằng trình độ được nâng cao...
Bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, khuyết điểm. Báo chí còn có hiện tượng thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng - văn hoá, chưa thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức, nội dung tuyên truyền thiếu hấp dẫn, chưa làm chủ được dư luận xã hội. Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.