Ảnh: Telegraph |
Chuyến thăm Mỹ của Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia vào tuần tới sẽ đánh dấu một chương mới cho quốc gia được mệnh danh là vua của vùng sa mạc – quốc gia có trình độ công nghệ cao, tôn giáo ôn hòa và có tầm ảnh hưởng trên nhiều mặt chứ không chỉ riêng dầu mỏ.
Ông có thể cũng nên cám ơn nước Mỹ vì những cơ hội mà nước Mỹ vô tình mang đến cho Saudi Arabia. Chính do ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ phát triển bùng nổ đã khiến ngành năng lượng Saudi Arabia buộc phải thay đổi về cấu trúc. Cũng chính vì giá dầu lao dốc mà Saudi Arabia buộc phải tính lại việc quá phụ thuộc vào dầu mỏ để có được sự giàu có.
Tuy nhiên, việc Saudi Arabia giảm phụ thuộc vào dầu mỏ trong tương lai sẽ cần đến mức giá dầu cao ở hiện tại để Saudi Arabia có thể có tiền chi trả cho các chương trình cải cách kinh tế, xã hội nhằm xây dựng Saudi Arabia 2.0.
Rủi ro của điều này nằm ở chỗ giá dầu cao sẽ khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến khai thác dầu không hạn chế. Vì vậy, thế thống trị thị trường dầu mỏ của Saudi Arabia sẽ gặp nhiều thách thức và trong dài hạn, điều đó đe dọa dẫn đến khả năng nước này sẽ khó có tiền để hiện thực hóa chương trình hiện đại hóa.
Năm 2014, ngành dầu đá phiến Mỹ gặp khó khi giá dầu giảm sâu. Thế nhưng sau đó khi Saudi Arabia và Nga đồng thuận cắt giảm sản lượng, ngành khai thác năng lượng đã có sức sống mới dù ngành vốn đã vận hành hiệu quả hơn.
Giá dầu tăng mạnh, các nhà sản xuất tại Mỹ bơm mạnh dầu ra thị trường, sản lượng dầu của Mỹ vượt sản lượng dầu của Saudi Arabia và nhiều khả năng sẽ vượt mức 11 triệu thùng vào năm 2019.
Một nhà máy sản xuất dầu và khí tự nhiên của Saudi Aramco tại khu vực Empty Quarter của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/Getty
Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch của Saudi Arabia, ông Mohammed Al Tuwaijri, khẳng định với Financial Times rằng việc quản lý thị trường dầu sẽ có vai trò quan trọng trong tương lai của Saudi Arabia. Các quan chức chính phủ Saudi Arabia đang tính đến những việc chuyển nguồn thu từ dầu vào quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, quỹ này đặt mục tiêu cải tổ nền kinh tế.
Saudi Arabia muốn một giá dầu ổn định trong dài hạn để có thể giúp cho tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Aramco dễ dàng chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, chính Bộ trưởng Kinh tế Kế hoạch của Saudi Arabia cùng thừa nhận ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang gây ra nhiều sức ép lên giá dầu thế giới.
Tính toán của công ty tư vấn Wood Mackenzie cho thấy đến giữa thập niên 2020, khoảng thêm 4 triệu thùng dầu từ Mỹ sẽ được xuất ra thị trường quốc tế, trong khi đó con số này vào năm 2017 chỉ ở mức 1 triệu thùng. Lượng dầu Mỹ xuất thêm ra thị trường như vậy tương đương với sản lượng từ Iraq và Canada, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie.
Bản thân ngành năng lượng đang tranh cãi về việc liệu thị trường năng lượng thế giới có hấp thụ được lượng dầu trên không và liệu dòng chảy dầu toàn cầu sẽ chuyển hướng thế nào.
Khi Saudi Arabia giảm sản lượng, Saudi Arabia đối diện với rủi ro mất đi thị phần tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng. Trong năm 2017, khi Saudi Arabia và Nga giảm sản lượng trong khi nhu cầu của thị trường tiêu thụ vẫn còn, nhanh chóng các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc đã nhập khẩu dầu từ Mỹ.
Trung Quốc đã vượt qua Anh và Hà Lan để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành xuất khẩu dầu thô Mỹ trong năm 2017. Theo phía Trung Quốc, xu thế này sẽ vẫn tiếp diễn khi mà Bắc Kinh vẫn đang muốn dàn xếp những bất đồng với phía Mỹ về vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Theo một người có hiểu biết về hoạt động nhập khẩu dầu của Trung Quốc, Trung Quốc đang cố gắng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu và đang muốn chú trọng nhiều hơn đến Mỹ.
Còn Saudi Arabia đang cố gắng phản ứng bằng việc mở rộng hoạt động sản xuất dầu trên khắp thế giới để giữ chân khách hàng, đồng thời cố gắng tăng thêm giá trị gia tăng từ các sản phẩm năng lượng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.