Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN và các công ty, hãng xe ô tô tại VN để hoàn thiện dự thảo (lần 2) Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (thay thế Quy chuẩn QCVN 09:2015/BGTVT).
So với quy chuẩn xe ôtô hiện hành, nội dung dự thảo bổ sung một số kiểu loại xe mới như xe nhà ở lưu động, xe chở học sinh; xe điện, xe Hybrid, xe sử dụng khí Hydro điện, phương tiện giao thông thông minh (xe lái tự động và xe tự hành).
Riêng với ôtô chở học sinh, so với dự thảo lần trước, dự thảo lần này bổ sung một số yêu cầu riêng về nâng cao hệ số an toàn cho học sinh, đặc biệt là cảnh báo, đề phòng tình huống bỏ quên học sinh trên xe.
Theo đó, xe chở học sinh mẫu giáo có số lượng không quá 45 người; xe chở học sinh tiểu học, trung học cơ sở số lượng không quá 56 người. Không được sử dụng xe buýt 2 tầng và xe buýt nối toa làm xe chở học sinh.
Về hình thức nhận diện, toàn bộ bên ngoài xe chở học sinh đều phải sơn màu vàng đậm và có ký hiệu riêng (hình hai trẻ em đang đi, hình vuông, có phản quang hoặc đèn Led) trên kính chắn gió phía trước và hai bên thân xe.
Phía sau cùng của xe phải có thiết bị cảnh báo bằng đèn phát sáng có dòng chữ "Hãy dừng lại và chờ đợi" hoặc biển cảnh báo dạng hình tròn hiển thị chữ "Stop" (đưa ra, thu vào) để cảnh báo các phương tiện khác không vượt xe chở học sinh đang đỗ đón, trả học sinh.
"Khi cánh cửa lên, xuống xe mở thì các hệ thống trên được tự động kích hoạt, đèn sẽ bật sáng hoặc tay giá của biển báo sẽ mở ra", theo quy chuẩn. Ngoài ra, xe còn có thể kết hợp sử dụng các hệ thống đèn chiếu ánh sáng mặt đường tạo một hành lang cấm vượt bao quanh xe (phía sau xe và phía bên trái xe).
Đặc biệt, xe chở học sinh phải được trang bị hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe. Hệ thống này hoạt động tự động hoặc điều khiển bằng tay (hoạt động độc lập hoặc kết hợp), với một số nút bấm khẩn cấp tại một số vị trí đặc biệt, dễ quan sát trên xe.
"Học sinh khi bị bỏ quên trên xe sẽ ấn vào nút bấm khẩn cấp và hệ thống được kích hoạt sẽ phát ra tiếng còi báo động, âm thanh khẩn cấp, với yêu cầu người đứng bên ngoài cách xe tối thiểu 50m phải nghe được. Đồng thời, hệ thống thực hiện liên lạc khẩn cấp (bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi điện thoại) trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh. Âm thanh sẽ dừng lại khi có người mở cửa, kiểm tra xe và tắt hệ thống.
Hệ thống cũng bắt buộc lái xe phải kiểm tra khoang chở học sinh thông qua thao tác bấm vào nút đặt ở cuối xe. Bởi 3 phút sau khi xe tắt máy, rút chìa khóa khỏi ổ mà không bấm nút, chuông cảnh báo reo lên và không thể khóa được cửa xe.
"Hệ thống lắp đặt các loại cảm biến 60 GHz (thân nhiệt, chuyển động, sóng âm) vào trần xe, dọc theo thân xe. Khi có học sinh bị bỏ quên, lái xe sẽ không thể khóa cửa và kèm theo âm thanh cảnh báo hoặc lời nhắc đi kiểm tra lại bên trong xe", nội dung quy chuẩn mô tả.
Hệ thống còn có thiết bị quét thông tin (nhận diện khuôn mặt, thẻ học sinh) khi học sinh lên và xuống xe. Lái xe hoặc người quản lý học sinh phải quét đầu đọc thẻ sau khi kiểm tra khu vực cửa lên xuống.
Ngoài ra, có thể lắp đặt các loại camera thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác có tính năng phát hiện chuyển động, âm thanh và kết nối mạng viễn thông để tự động truyền cảnh báo đến điện thoại, máy tính. Trang bị camera (giám sát và lưu trữ) bên trong xe và bên ngoài cửa lên, xuống xe. Xe chở học sinh còn phải có lối thoát hiểm khẩn cấp phải có khóa và có thể mở từ bên trong hoặc từ bên ngoài; được trang bị bình chữa cháy và ít nhất một bộ sơ cứu y tế.
Dự thảo thông tư (và quy chuẩn) được lấy ý kiến đến hết ngày 18/6/2024. Nếu dự thảo được thông qua, dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.