Đức phải giải quyết bài toán cam go Mỹ - Huawei. |
Các nhà mạng di động Đức đang bận rộn với kế hoạch phủ sóng 5G tại quốc gia này. Công nghệ không dây thế hệ kế tiếp hứa hẹn tốc độ siêu nhanh và mang lại nhiều tiện ích mới.
Có thể coi 5G là suối nguồn nuôi dưỡng Internet of Things, vốn là cốt lỗi của nhiều công nghệ mới hiện nay.
Trong bối cảnh hạ tầng đô thị và xe kết nối là chủ đề nóng, một trong số đó đang khiến hãng xe Đức vướng vào cuộc chiến chính trị, thương mại và công nghệ không ít cam go.
Nâng cấp mạng di động chưa bao giờ là công việc dễ dàng, đặc biệt phải đầu tư rất lớn. Giới chức Đức ước tính các nhà mạng lớn nước này phải chi tới 18% doanh thu cho nâng cấp mạng lưới.
Cơ hội đầu tư cực lớn đó đã thu hút nhiều công ty, trong đó có Huawei. Hãng công nghệ Trung Quốc muốn có chân trong hợp đồng cung cấp thiết bị mạng 5G.
Sự có mặt của Huawei lại vô tình khơi mào cho cuộc chiến bên kia Đại Tây Dương từ một trong những thị trường ôtô lớn nhất của Đức: nước Mỹ.
Hơn một năm qua, Mỹ kiên trì chiến dịch ngăn cản Huawei, thậm chí còn đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại khi cho rằng sản phẩm của hãng cài cổng hậu phục vụ mục đích gián điệp. Huawei một mực bác bỏ cáo buộc này.
Trách nhiệm của công ty Trung Quốc
Trong lằn ranh khó xác định liên quan tới hoạt động gián điệp, Huawei – vốn là công ty Trung Quốc – buộc phải chia sẻ thông tin với chính phủ Bắc Kinh nếu được yêu cầu.
Nghe có vẻ xa xôi nhưng thông tin kiểu này đã được thu thập với ôtô bán ra thị trường Trung Quốc. Trong trường hợp bạn vẫn còn băn khoăn thị trường lớn nhất của hãng xe Đức là ai, xin thưa đó chính là Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một chiếc xe Volkswagen tự lái ở Berlin năm 2018. |
Hơn 200 hãng ôtô bán xe điện kết nối tại Trung Quốc được yêu cầu truyền dữ liệu trực tiếp tới trung tâm theo dõi ở Thượng Hải. Yêu cầu đưa ra là thông tin này cần có (ít nhất) 61 trường dữ liệu khác nhau, gồm số VIN, địa điểm, thậm chí cả mức pin hiện tại.
Xe của BMW, Daimler, Ford, General Motors, Mitsubishi, Nissan, Tesla, Volkswagen và nhiều hãng khác đều phải đáp ứng yêu cầu này.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, CEO Volkswagen tại Trung Quốc Jochem Heizmann cho biết dữ liệu cung cấp cho các dịch vụ theo dõi thời gian thực và không có gì đảm bảo chúng có được sử dụng cho mục đích giám sát của chính phủ Trung Quốc hay không.
Một cổ hai tròng
Đức đang trong tình trạng “một cổ hai tròng”. Một bên là Mỹ gây áp lực muốn Đức cấm Huawei, một bên Trung Quốc đưa ra tín hiệu cảnh báo.
“Nếu chính phủ Đức quyết định loại bỏ Huawei, nước này sẽ gánh hậu quả. Trung Quốc sẽ không chịu ngồi yên”, Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken cảnh báo.
Năm ngoái, 28 triệu ôtô được bán ra thị trường Trung Quốc, 7 triệu xe trong số này của Đức.
Nhà làm luật Konstantin von Notz của Đức coi đó là lời đe dọa và tin rằng chính phủ Trung Quốc đang ngầm nói với Đức rằng họ là gà đẻ trứng vàng.
“Trung Quốc từng nói rõ họ sẽ đánh vào chỗ gây thương tích nhất. Và đó sẽ là ngành xe hơi của Đức”, Notz nói với tờ New York Times.
Với áp lực gia tăng từ hai phía, Đức và Trung Quốc hiển nhiên nhận thấy những khúc mắc có thể phát sinh nếu xảy ra sự cố.
Giới làm luật của Đức gần như chắc chắn rằng sẽ có động thái ăn miếng trả miếng, và lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng là doanh số ôtô Đức tại Trung Quốc.
Gần một nửa doanh thu của gã khổng lồ Volkswagen là từ thị trường Trung Quốc. Rất nhiều lần, Volkswagen phải cúi mình chiều lòng chính phủ Trung Quốc. Nếu bị trả đũa, đây sẽ là thảm họa kinh tế.
Trong khi đó, các quan chức Đức lo ngại nếu cho Huawei tham gia mạng 5G, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu và dựng rào cản với sản phẩm nước này.
Mặc dù không tác động lớn tới các hãng xe Đức nhưng việc này có thể làm giá xe tăng lên, khiến xe Đức khó cạnh tranh với các đối thủ khác.
Dù muốn hay không, Đức đang trong thế bị động, chưa biết sẽ phải hành xử thế nào để không làm mếch lòng cả Mỹ và Trung Quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.