Sản phẩm của Pepsi ghi nơi sản xuất là khách sạn Shearaton, TP HCM. |
Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về nhãn hàng hoá đã quy định rõ “Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó”. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (tên gọi của Pepsi ở Việt Nam) lại không thực hiện điều này.
Cụ thể, tất cả các sản phẩm của Pepsico trên thị trường Việt Nam như Pepsi, Sting, Trà ô long Tea+ Plus, nước cam ép Twister, Isotonic, 7Up, Revive … đều chỉ ghi nơi sản xuất duy nhất là “Cao ốc Sheraton, 88 Đường Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam”. Đây là khách sạn lớn ở TP HCM và là nơi Pepsico đặt văn phòng làm việc, không phải nhà máy của họ.
Khách sạn Shearaton TP HCM được Pepsi lấy làm “nơi sản xuất” để ghi lên các sản phẩm của mình |
Trong khi đó, các sản phẩm của hãng khác sẽ phải ghi cụ thể địa chỉ nhà máy sản xuất. Ví dụ như trên nhãn các sản phẩm nước uống C2, Rồng đỏ của công ty URC, sẽ được ghi rất rõ ràng là: “Sản xuất tại: Công ty TNHH URC Hà Nội, Lô CN 2.2, KCN Thạch Thất – Quốc Oai, Hà Nội.”
Sản phẩm của URC ghi rõ ràng tận nhà máy sản xuất. (Ảnh minh họa, chụp nhãn chai nước Rồng đỏ). |
Rõ ràng, ở đây, đã có sự khác biệt. Khi khách hàng có bất cứ phản hồi gì về sản phẩm thì đều phải mặc định liên hệ về khách sạn Shearaton, TP HCM mà không biết được nơi sản xuất thực tế của sản phẩm ở đâu. Việc này vi phạm Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam.
Nhiều người cho rằng, đây có thể là sự sơ suất nhưng phải chăng một công ty toàn cầu như Pepsi với kinh nghiệm làm ăn trên khắp thế giới và đội ngũ tư vấn, luật sư hùng hậu lại sơ suất vì một quy định dễ hiểu như vậy?
Trước đó, Pepsico Việt Nam cũng từng vướng vào rắc rối khi quảng cáo sản phẩm trà Ô long TEA + Plus có hoạt chất OTPP như là “thần dược” cho sức khỏe con người. Quảng cáo “nổ” này sau đó đã bị báo chí và người tiêu dùng bóc mẽ.
Sau đó, cộng đồng mạng tiếp tục đào xới và phát hiện ra Pepsico dùng bột trà ô long Trung Quốc, máy móc Second hand Trung Quốc để pha chế trà Ô long TEA + Plus nhưng lại quảng cáo là “chất lượng Nhật Bản”. Thông tin này đã khiến dư luận chấn động, dẫn đến một cuộc tẩy chay lớn của giới trẻ với trà Ô long TEA + Plus. Khủng hoảng này sau đó chỉ tạm lắng xuống khi xuất hiện “khủng hoảng chì” của 2 sản phẩm nước C2 và Rồng đỏ.
Mới đây, Bộ Y tế đã ra quyết định thanh tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Theo quyết định thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính ký, thời hạn thanh tra đối với Pepsico Việt Nam là 45 ngày, bắt đầu từ ngày 7/9/2016.
Điều 14 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định việc ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá đối với từng trường hợp cụ thể: 1. Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó. 2. Hàng hoá được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. 3. Hàng hoá của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hoá đó. 4. Hàng hoá được nhượng quyền hoặc cho phép của một tổ chức, cá nhân khác thì ngoài việc thực hiện như quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này còn phải ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhượng quyền hoặc cho phép. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng có văn bản hướng dẫn nội dung ghi nhãn thực phẩm. Cụ thể, trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất tại địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn phải ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra sản phẩm, hàng hoá đó. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.